Ông Giản Tư Trung: Việt Nam thừa bằng, nhưng thiếu cả thầy lẫn thợ Quay lại

“Nếu kết quả PISA rất cao vừa qua là trung thực thì điều này cũng rất đáng mừng, nhưng không thể kết luận chất lượng giáo dục phổ thông là tốt được” - Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo Dục (IRED) và sáng lập Trường Doanh Nhân PACE.

Giáo dục VN vẫn nằm ngoài quỹ đạo giáo dục khai phóng
 
PV: -Thưa ông, nhìn từ kết quả PISA rất cao vừa qua, cùng niềm tự hào của Bộ GD-ĐT về chất lượng giáo dục VN so với thế giới, ông có suy nghĩ gì về việc VN tham gia PISA, kết quả PISA và niềm tự hào này của Bộ GD-ĐT?
 
Ông Giản Tư Trung: - Tôi cho rằng, VN tham gia vào những cuộc thi quốc tế như PISA là điều rất nên. Vì cũng như nhiều quốc gia khác, VN cũng cần phải có thêm nhiều thước đo khác nhau (đặc biệt là các thước đo quốc tế) để có thêm góc nhìn, có thêm chỉ số tham khảo về thực trạng giáo dục của mình. 
 
Tuy nhiên, kết quả tham gia PISA lần đầu tiên vừa qua của chúng ta khá cao, vượt xa nhiều cường quốc về giáo dục khác, điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ.
 
Trước hết, cần phải làm rõ mục tiêu của giáo dục và mục tiêu của PISA. Mục tiêu chính của giáo dục phổ thông là “con người khai phóng” (có cái đầu khai minh/khai sáng, có trái tim có hồn, có sức vóc khỏe đẹp), còn mục tiêu chính của giáo dục đại học (nhất là đại học nghiên cứu) là “con người trí thức”, “con người chuyên gia”. Trong khi PISA thì chỉ tập trung đánh giá năng lực của học sinh phổ thông ở lứa tuổi 15 trong 3 lĩnh vực là đọc hiểu, toán và khoa học. 
 
Do vậy, nếu kết quả PISA rất cao vừa qua là trung thực thì điều này cũng rất đáng mừng, nhưng không thể dựa vào kết quả này mà có thể kết luận chất lượng giáo dục phổ thông là tốt được. Bởi lẽ, PISA chỉ phản ánh một khía cạnh nhỏ của giáo dục phổ thông, chứ không phản ánh “năng lực làm người” hay “nền tảng văn hóa” của học sinh, cũng không phản ánh là học sinh đã có “cái đầu khai minh” hay “trái tim có hồn”…
 
Nhiều năm gần đây, những nước như Phần Lan thường có kết quả PISA cao và được thế giới nể trọng, vì đất nước này đã nổi tiếng thế giới về sự trung thực, minh bạch (chỉ số cảm nhận tham nhũng của Phần Lan trong những năm gần đây là thuộc loại thấp nhất thế giới), và lý do quan trọng hơn là thầy và trò ở Phần Lan hầu như không quan tâm, không để ý và không luyện thi PISA mà kết quả PISA vẫn rất cao, cao tự nhiên… 
 
Khác với những quốc gia như Phần Lan, các nước Châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có một văn hóa khá lâu đời, ăn sâu vào xã hội, đó là: Học để thi. Cho nên với những quốc gia mà nền giáo dục quá nặng về thi cử và điểm số này, dù kết quả PISA có rất cao đi nữa thì vẫn chưa nhận được sự nể trọng thực sự của thế giới về chất lượng giáo dục.
 
Do vậy, bất kể kết quả PISA của học sinh Việt Nam là là cao hay thấp, là trung thực hay chưa trung thực, thì giáo dục Việt Nam ta (cả giáo dục phổ thông, lẫn giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) vẫn là một nền giáo dục yếu kém về nhiều mặt, vẫn là một giáo dục còn xa vời với giáo dục tiến bộ của thế giới, vẫn còn nằm ngoài quỹ đạo giáo dục khai phóng. Và đó lý do vì sao chúng ta cần phải cải tổ giáo dục, cần phải “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục.
 
PV:- Bên cạnh kết quả PISA "mỹ mãn" đó, con số mà Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại VN (EuroCham) chỉ ra: có tới 50% sinh viên tốt nghiệp đi làm đều phải đào tạo lại đã nói lên điều gì, thưa ông? Chúng ta phải lý giải những hai nhận định mâu thuẫn này như thế nào, thưa ông?
 
Ông Giản Tư Trung: - Con số 50% mà EuroCham đưa ra là còn thấp, tôi cho rằng tỷ lệ này còn lớn hơn nhiều. Thực tế khi sinh viên Việt Nam ra trường đi làm tại các doanh nghiệp hầu hết đều phải đào tạo lại. Thực trạng này nói lên điều gì?
 
Con số đó chứng minh một thực tế, đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam đang có vấn đề, thậm chí rất có vấn đề. Nếu như mục tiêu chính ở giáo dục phổ thông là “năng lực làm người”  (nền tảng văn hóa) thì mục tiêu chính của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là “năng lực làm việc” (năng lực làm nghề).
 
Nhiều người cho rằng Việt Nam ta “thừa thầy nhưng thiếu thợ”. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi cho rằng, Việt Nam ta thừa bằng, nhưng thiếu thầy và thiếu thợ, thiếu trầm trọng. Với sự khủng hoảng thiếu về thầy và thợ như hiện nay thì những doanh nghiệp có hoài bão đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới sẽ vô cùng khó khăn và đôi khi là rơi vào bế tắc chỉ vì lý do này.
 
Nói cách khác, giáo dục của chúng ta đào tạo ra vô số cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ… nhưng tiếc là lại đào tạo ra quá ít thầy (chuyên gia về một chuyên môn nào đó) và quá ít thợ (có nghề và lành nghề về một nghề nào đó). 
 
Để khắc phục tình trạng này ngành giáo dục đã đưa ra chủ trương: “Đào tạo theo nhu cầu của xã hội”. Theo tôi, nếu vẫn phải theo chủ trương này thì cần sửa chữ “theo” thành chữ “cho”. Đây không phải là vấn đề câu chữ, mà là bản chất của vấn đề.
 
Giáo dục phải đi trước xã hội, chứ không để chạy theo xã hội được. Giáo dục phải xem thử là trong 50 năm nữa đất nước này, thế giới này cần những con người như thế nào để kiến tạo xã hội tương lai và nỗ lực đào tạo ra những con người tương lai đó cho xã hội tương lai.
 
Như vậy cả kết quả PISA và kết quả của EuroCham thì chúng ta đều thấy rõ một điều là chúng đang gặp vấn đề trầm trọng về mục tiêu của giáo dục, cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học và giáo dục nghề. Nếu không làm rõ mục tiêu giáo dục thì nền giáo dục VN sẽ giống như người bị lạc đường, nỗ lực đi nhiều nhưng chẳng bao giờ tới đích…
 
Do đó, giáo dục đại học cũng phải phân luồng và xác lập mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn: đại học nghiên cứu (đào tạo trí thức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, tức là  đào tạo ra giới tinh hoa của xã hội…); đại học ứng dụng (đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế); đại học cộng đồng (nâng cao dân trí).
 
Và ngoài hệ thống giáo dục đại học thì còn có hệ thống giáo dục dạy nghề (như cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề…) cũng làm rõ mục tiêu là đạo ra những con người lành nghề, yêu nghề… Chỉ khi làm rõ mục tiêu rồi mới làm rõ nội dung và phương pháp đào tạo, và từ đó mới có sự thay đổi thật sự trong vấn đề nhân lực cho nền kinh tế trước mắt và lâu dài.
 
Chỉ đổi mới về phương pháp, chưa đổi mới về tư tưởng
 
PV:- Nhìn nhận rõ những hạn chế, yếu kém nên mới đây TW, Chính phủ và Bộ GD-ĐT đã đưa ra “Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” và được Bộ GĐ-ĐT coi là “trận đánh lớn”. Ông đánh giá như thế nào về Đề án này và khả năng thành công của nó?
 
Ông Giản Tư Trung: - Theo tôi, nội dung đề án đổi mới giáo dục lần này có thể hiện sự đổi mới và quyết tâm đổi mới, nhưng chỉ mới dừng lại ở sự nỗ lực đổi mới về phương pháp, về kỹ thuật, chứ chưa thể hiện sự đổi mới về tư tưởng và tinh thần.
 
Bởi lẽ, tinh thần giáo dục khai phóng, tinh thần giáo dục khai minh/khai sáng vẫn còn thiếu vắng trong đề án này. Mà nếu chưa có đổi mới về tư tưởng và tinh thần thì về cơ bản vẫn là thứ giáo dục cũ và chỉ cố gắng thay đổi cách thức triển khai thứ giáo dục này sao cho ổn hơn trước thôi. Nói ngắn gọn, đề án kỳ này có đổi mới, nhưng chưa căn bản và chưa toàn diện.
 
Ông bà mình có câu: “Tư tưởng không thông, mang bình tông cũng nặng”. Do vậy, để một công cuộc đổi mới giáo dục được diễn ra thuận lợi và thành công thì trước hết cần các nhà cải cách cần phải thuyết phục được nền giáo dục và xã hội về thứ giáo dục mới đó và cách triển khai nó... Còn nếu không làm rõ được thứ giáo dục mới đó là gì (tư tưởng giáo dục mới, tinh thần giáo dục mới) thì dù có đổi mãi cũng không thể mới được.
 
PV:- Mới đây, Bộ GD-ĐT đã cấp kinh phí cho 6 trường sư phạm sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực này của Bộ GD-ĐT?
 
Ông Giản Tư Trung: - Việc mời các nhà giáo dục, các nhà sư phạm có uy tín của thế giới vào giảng dạy cho giáo viên Việt Nam hay việc đưa giáo viên Việt Nam ra nước ngoài học hỏi là điều quá tốt, là điều rất đáng hoan nghênh. Vấn đề là làm sao để việc này không lãng phí và không hình thức. 
 
Để không lãng phí và không hình thức thì cần làm rõ sứ mệnh của người thầy, mục tiêu của giáo dục, mục tiêu của chuyến đi…  Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm là, nếu như mục tiêu của giáo dục vẫn là tạo ra “con người công cụ” thì chúng ta sẽ học được gì ở những nền giáo dục tiến bộ, khi mà “con người khai phóng” là đích đến cho nền giáo dục của họ.
 
PV: -Xin cảm ơn ông! 
 
Thực hiện: Nguyễn Vũ
Theo: Giản Tư Trung / Báo Đất Việt
Một vài bài viết của tác giả
Xem tiếp các bài khác
Một vài Video Clips
Xem tiếp các clips khác