Diễn đàn Quốc gia về “Văn hoá Doanh nghiệp” lần đầu tiên của Việt Nam do Ban Tuyên Giáo TW, Bộ Công Thương, Bộ Văn Hóa, Phòng TM&CN Việt Nam và BTC 248 đồng phối hợp tổ chức vào ngày 5/12/2021 vừa qua tại Hà Nội (và kết nối trực tuyến với các đầu cầu của các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều quốc gia) với chủ đề “Tiếp biến văn hoá - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế”. Diễn đàn có sự tham dự của các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ ngành và đông đảo lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam hiện nay.
Phiên 1 của Diễn đàn là những câu chuyện về “Tiếp biến văn hoá và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hoá kinh doanh” được thảo luận bởi các diễn giả là các học giả gồm: TS. Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), TS. Giản Tư Trung (Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE), GS. Trần Thị Vân Hoa (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), GS. Từ Thị Loan (Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam).
Trong phiên thảo luận này, theo ông Giản Tư Trung, trong một thế giới biến động, chóng mặt và khôn lường, vai trò của văn hóa chính là “CHÂN THẮNG” và “CHÂN GA” ở cả góc độ cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia. “Chân thắng” sẽ ngăn ta làm điều sai và điều ác, cũng như ngăn ta rơi xuống vực sâu, còn “chân ga” sẽ thôi thúc ta làm điều đúng và điều tốt, cũng như giúp ta vượt qua bao đèo cao. Ở góc độ doanh nghiệp, “Chân thắng” sẽ ngăn doanh nghiệp không mắc phải những sai lầm không đáng có và dừng lại trước những cám dỗ trước mắt mà có thể là thảm họa trong tương lai; “Chân ga” chính là nội lực giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khốn khó, là doanh khí và sức bật giúp doanh nghiệp hiện thực hóa được những khát vọng của mình. Đặc biệt, trong Diễn đàn này, TS Trung cũng đã chia sẻ các phương thức và mô hình hết sức thiết thực để chọn lựa giá trị khi tiếp biến văn hóa dành cho cả 5 chủ thể: Cá nhân, Doanh nhân, Doanh nghiệp, Doanh giới và Quốc gia.