Một góc nhìn về câu chuyện khai minh
Tối 5/1, hàng ngàn độc giả là doanh nhân, trí thức, giới trẻ, giáo giới… đã ngồi chật kín khán phòng hội thảo lớn nhất khách sạn Rex (TP.HCM) để nghe cuộc trò chuyện về “cách mạng bản thân” thông qua tác phẩm “Đúng Việc” của tác giả, nhà giáo Giản Tư Trung. Rất nhiều người phải đứng dọc hai bên lối đi, đứng tràn cả ra ngoài cửa khán phòng trong suốt 3 giờ đồng hồ.
Hàng ngàn độc giả thuộc nhiều giới bị thu hút bởi cuộc cách mạng “Đúng việc” |
Tác phẩm “Đúng Việc - một góc nhìn về câu chuyện khai minh” chính thức ra mắt độc giả lần đầu tiên vào cuối năm 2015 và chỉ sau 1 năm đã phát hành được 80.000 bản, một kỷ lục xuất bản hiếm có cho lĩnh vực sách triết học dành cho đại chúng, nhất là đối với một tác phẩm hoàn toàn do một tác giả người Việt chấp bút chứ không phải là sách dịch của các tác giả nước ngoài.
“Đúng Việc” đề cập đến những vấn đề căn cơ và nền tảng nhất của con người ở mọi thời đại, đó là: làm người (đạo nhân), làm mình (đạo sống), làm dân (đạo dân) và làm nghề (đạo nghề) bằng văn phong dí dỏm, sâu sắc và có tính hệ thống cao. Từ đó, sách đưa ra phương pháp luận để mỗi người tự thấu hiểu bản thân, tự tìm ra đường đời của mình, hình thành đạo nhân, đạo sống và đạo nghề của riêng mình.
Hay nói cách khác, “Đúng Việc” là một phương pháp luận để mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở tự tìm ra “đích đến” và “con đường” cho sự đổi thay có tính cách mạng của riêng mình.
Nhà giáo Giản Tư Trung cho rằng: “Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm: làm người, làm dân và làm nghề. Lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; nghệ sỹ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; người thầy thì khác với thợ dạy; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; lãnh đạo thì khác với cầm quyền; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…
Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Nói cách khác, làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”?
Nhà giáo Giản Tư Trung trò chuyện về cuộc cách mạng “Đúng việc” |
Nhận thức để thay đổi bản thân
Tác giả thừa nhận: “Khó mà tìm thấy một chân lý hay một định nghĩa tuyệt đối về việc thế nào là đúng - sai, phải - trái, hay - dở, tốt - xấu. Mỗi người sẽ có một lằn ranh, một cách của riêng mình để minh định. Lằn ranh mà tôi chọn cho “Đúng việc” là dựa vào những giá trị vượt không gian và vượt thời gian.
Lằn ranh ấy không hẳn là vừa vặn với tất cả mọi người, mọi thời. Nhưng tôi tin là ít nhất, bằng việc đặt ra những câu hỏi nhân sinh và liên tục tra vấn mình về nó, ấy là lúc chúng ta có thể tiến gần hơn đến với câu trả lời, đến với việc tìm ra điều gì là ‘đúng’, điều gì là chân lý cho riêng mình, cho xứ sở của mình và cho thế gian này”.
Tác giả sách “Đúng Việc” - nhà giáo Giản Tư Trung ký tặng sách cho độc giả |
Bằng văn phong triết lý nhưng hóm hỉnh trong cuốn sách, và giữ nguyên cách diễn đạt này khi trao đổi trực tiếp với độc giả, nhà giáo Giản Tư Trung đã cuốn hút đông đảo bạn đọc vào câu chuyện khai minh để thực sự nhận thức về mình, về nhân sinh và thay đổi bản thân.
“Gọi tên được cuộc ‘cách mạng’ cũng quan trọng không kém việc nhận ra nó. Ở đây, ‘căn bệnh’ đích xác cho những vấn đề mà con người, gia đình, tổ chức và xã hội ngày nay đang gặp phải đã được gọi tên: Đó là bệnh “sai việc”, người người sai việc, nghề nghề sai việc. Và ‘đúng việc’ chính là giải pháp cho căn bệnh đó” - Giản Tư Trung nói.
Trích Vietnamnet