PGS. TS. Nguyễn Xuân Hùng ở Đại học Công nghệ TP HCM, ba năm vào danh sách nhóm 1% nhà khoa học thế giới có chỉ số trích dẫn cao do Thomson Reuters công bố. Ông có hàng trăm bài báo quốc tế và được Quỹ Alexander von Humboldt của Đức trao giải thưởng nghiên cứu.
Nhưng ông bị trượt trong đợt xét giáo sư năm 2016 với sự ngỡ ngàng của nhiều người, trong đó có tôi. Lý do, ông thiếu điểm viết sách.
Ông Hùng đã viết hai cuốn sách, một cuốn trong đó viết cùng đồng nghiệp, được đánh giá khá cao về chuyên môn. Hai cuốn được chấm 2,6 điểm trên khung điểm tối thiểu là 3 và tối đa là 5. Ông trượt vì không đủ 3 điểm viết sách. Ông Hùng nói mình bị sốc.
Vấn đề là, nhiều giáo sư tại các đại học danh tiếng thế giới có thể không có sách, hoặc có một cuốn sách viết chung. Một giáo sư nổi tiếng của Mỹ cả đời cũng chỉ công bố hai cuốn sách viết riêng và chung, mà theo cách tính của Việt Nam thì hai cuốn đó cũng chỉ được 1,5 đến 2 điểm. Như vậy, giáo sư ở Mỹ, nhiều người hiển nhiên không đủ tiêu chuẩn làm giáo sư Việt Nam.
Ngoài “chuẩn” giáo sư, còn có “chuẩn” hiệu trưởng. TS. Trương Nguyện Thành mới bị từ chối công nhận làm hiệu trưởng Đại học Hoa Sen vì không đủ chuẩn này, theo Luật Giáo dục đại học. Đó là hai ví dụ dễ thấy sự bất cập về các chuẩn hiện hành ở giáo dục đại học.
Sở dĩ việc bổ nhiệm hiệu trưởng hay phong giáo sư gây tranh cãi là vì chúng ta vừa phải theo luật, vừa phải hội nhập. Phải theo luật, vì nếu không thượng tôn pháp luật sẽ thành một quốc gia vô pháp, vô thiên. Nhưng theo luật mà những quy định của luật đó không phù hợp các chuẩn mực quốc tế và rời xa thông lệ phổ quát của thế giới tiến bộ thì chẳng những không hề hội nhập, mà càng thực hiện ta càng như cố tình chạy một hệ điều hành khác phần còn lại của thế giới.
Vậy làm sao để vừa đúng luật, vừa đúng chuẩn? Chỉ có một cách, đó là luật của chúng ta cần phải hội nhập quốc tế, tìm về bản chất và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề.
Có một số điều cần làm rõ. Thứ nhất, giáo sư là chức vụ được bổ nhiệm bởi đại học, hay giáo sư là một danh hiệu được phong tặng bởi nhà nước? Phần lớn các quốc gia có nền đại học tiến bộ đều xem giáo sư là một chức vụ học thuật ở đại học, sẽ kết thúc khi người đó về hưu. Còn ở ta, giáo sư lại là một danh hiệu do nhà nước phong tặng và có giá trị suốt đời, tương tự như nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nghệ sĩ nhân dân.
Thứ hai, khi trả lời được câu hỏi, bổ nhiệm hiệu trưởng là việc của ai, của nhà trường hay việc của nhà nước? Vai trò và bản chất công việc của hiệu trưởng là gì? Từ đó mới có thể xác định được một người cần có tố chất, phẩm chất gì để có thể làm hiệu trưởng.
Thực tế, một nhà khoa học giỏi chưa chắc là một hiệu trưởng giỏi, vì giỏi chuyên môn không chắc sẽ giỏi quản lý. Đây là hai công việc, hai nghề khác hẳn nhau. Khi bổ nhiệm một nhà khoa học giỏi làm hiệu trưởng, đại học đó vừa có thể mất một nhà khoa học giỏi vừa thêm nguy cơ có một hiệu trưởng kém. Tất nhiên, cũng có người làm chuyên môn và làm quản lý đều rất giỏi, nhưng rất hiếm khi “vẹn cả đôi đường”. Đó cũng là lý do khoảng 95% giám đốc bệnh viện ở Mỹ không phải là bác sĩ. Họ chỉ có khoảng 5% giám đốc bệnh viện là bác sĩ, những người này sẽ tập trung vào công việc của giám đốc và quản trị nhiều hơn chữa bệnh sau khi bổ nhiệm.
Chúng ta đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học. Khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, giáo dục không thể mãi nằm trong ốc đảo. Dù muốn hay không, giáo dục đại học phải “lãnh ấn tiên phong” trong công cuộc này.
Cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để giáo dục hội nhập là xác định một “chuẩn” hội nhập cho các chủ thể trong nền giáo dục, từ nhà nước, nhà trường, nhà giáo, hiệu trưởng, phụ huynh, học sinh, thức giả. Ai làm việc nấy. Mỗi chủ thể đều làm đúng việc của mình, quay về vai trò vốn có của mình, cũng như trả lại vai trò vốn không phải của mình cho chủ thể khác.
Đại học là một thiết chế đặc biệt và có nhiều loại đại học khác nhau, đại học công, đại học tư, đại học quốc tế; đại học vì lợi nhuận, đại học không vì lợi nhuận; đại học tinh hoa, đại học bình thường… Mỗi loại đại học sẽ có chuẩn mực riêng, vận hành theo những cách thức, quy luật khác nhau về học thuật, tài chính, sở hữu, quản trị... Nhưng các đại học vẫn cần một chuẩn chung, một chân dung chung. Đó là, đại học thì phải khác với trường nghề, khác với doanh nghiệp, khác với trại tuyên huấn, nơi truyền giáo.
Vì nếu đại học cũng chỉ là nơi dạy nghề, nó nên được gọi là trường nghề. Đại học cũng nên là nơi đào luyện đời sống tinh thần, giúp người học không chỉ có nghề ở trình độ cao mà còn có tầm - tầm vóc văn hóa. Đại học phải khác với doanh nghiệp, nếu không đã được gọi là công ty. Tương tự, đại học không phải là nơi để nhồi nhét cho sinh viên những kiến thức giáo điều ấu trĩ như ở trại tuyên huấn. Và tất nhiên, đại học có thể dạy về các tôn giáo như một loại tri thức văn hóa nhưng không nên là nơi truyền giáo, nơi phát triển tín đồ. Và nhà trường cũng cần độc lập với nhà chùa hay nhà thờ.
Nhà nước tốt sẽ tập trung làm việc của nhà nước thay vì ôm đồm cả việc của nhà trường và nhà giáo. Nhà trường được là nhà trường, nhà giáo được là nhà giáo, được làm công việc của người thầy, mài dũa để đảm đương việc của mình chứ không phải là “thợ dạy” hay “máy dạy” theo các tiêu chuẩn được nhà nước lập trình.
Theo Giản Tư Trung / VnExpress