Doanh nghiệp cần gì để có thể đứng vững trong một thời đại có nhiều biến động và khó lường như hiện nay? Là câu hỏi lớn và thường trực mà mỗi doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp thường đặt ra và nỗ lực tìm lời giải. Những chia sẻ của ông Giản Tư Trung, nhà sáng lập Học viện Quản lý PACE, sẽ phần nào góp thêm vào những lời giải hữu ích cho các doanh nhân và doanh nghiệp.
Ông Giản Tư Trung, Nhà sáng lập Học viện Quản lý PACE
Thật khó để cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn lạc quan trong cuộc “khủng hoảng kép” hiện nay, khủng hoảng y tế đã làm cho khủng hoảng kinh tế càng trầm trọng và khó khắc phục hơn…
Ông Giản Tư Trung: Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt không phải là “khủng hoảng kép” mà đúng hơn là cuộc “khủng hoảng chồng”. Vì đây không chỉ là khủng hoảng về y tế và kinh tế, mà còn là khủng hoảng về văn hóa, chính trị, xã hội..., khủng khoảng chồng khủng hoảng trên khắp toàn cầu dưới mọi cấp độ và mọi phương diện.
Vậy nên, nếu xem khủng hoảng là đại họa thì doanh nghiệp sẽ trở nên bi quan và dễ sụp đổ. Chỉ khi doanh nghiệp xem khủng hoảng là một “phép thử” thì doanh nghiệp mới có thể tìm ra giải pháp để không chỉ vượt qua mà còn bứt phá. Nếu khó khăn không làm ta gục ngã thì sẽ làm ta mạnh mẽ hơn rất nhiều. Vì vậy, hãy nhìn khủng hoảng hay biến cố như là một phép thử để xem mình và doanh nghiệp mình có đủ bản lĩnh, tầm nhìn và nội lực để đứng vững và phát triển hay không.
Nhưng những con số doanh nghiệp phá sản vẫn tăng lên mỗi ngày, thậm chí những doanh nghiệp lớn cũng phải cầu cứu nhà nước, thì chúng ta phải bám víu vào đâu để tin vào khả năng vượt qua khủng hoảng?
Ông Giản Tư Trung: Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp thế giới cũng điêu đứng vì đại dịch trong cả năm qua. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói rằng: “Khi thủy triều rút xuống thì bạn mới phát hiện ai là người bơi mà không đồ”. Cơn thủy triều mang tên Covid-19 đã càn quét thế giới làm lộ ra nhiều vấn đề bất cập về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị... trên khắp toàn cầu. Những nền kinh tế, những doanh nghiệp càng giả và càng ảo thì càng dễ vỡ khi “thủy triều rút xuống”.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chồng hiện nay không chỉ gây ra những tổn thất, mà còn mang đến một giá trị vô hình rất lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Cái “được” vô hình này chính là sự thức tỉnh trong cộng đồng doanh nhân, để chúng ta tự hỏi, rốt cuộc giá trị cốt lõi và năng lực cốt lõi của mình và doanh nghiệp mình là gì?
Một doanh nghiệp nếu được xây dựng dựa trên những những giá trị cốt lõi có tính bền vững thì sẽ có khả năng đứng vững trước phong ba bão táp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp rời xa giá trị bền vững và năng lực cốt lõi của mình thì khi khủng hoảng ập đến sẽ khó mà đứng vững. Và trong một thế giới biến động chóng mặt và khôn lường, chỉ có giá trị nhân bản (lấy con người làm gốc) là bền vững nhất. Bởi lẽ, thời nào, bối cảnh nào cũng cần lấy giá trị của con người làm trọng.
Có ý kiến cho rằng, thời đại này là thời đại của công nghệ, nên sự đầu tư nên tập trung vào công nghệ hơn là đầu tư về con người. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Giản Tư Trung: Đầu tư cho công nghệ là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó mà tồn tại và phát triển được nếu không đầu tư cho công nghệ, không đầu tư cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, dù công nghệ có tối tân tới đâu thì có những thứ vẫn không thể thay thế được con người, nên song song với đầu tư cho công nghệ thì vẫn phải đầu tư cho con người, phát triển con người. Vả lại, công nghệ nào cũng được tạo ra để phục vụ con người và do con người điều khiển, nên càng cho thấy sự gắn kết giữa công nghệ và con người.
AI có thể vượt trội con người về nhiều mặt, nhưng không thể là con người. Con người có thế mạnh nhất là những công việc liên quan đến yếu tố văn hóa hay cảm xúc, hay các lĩnh vực tinh tế phi vật thể như trực giác, minh định… Như vậy, để con người có thể làm chủ máy móc và vạn vật trong kỷ nguyên AI thì cần phải hình thành bản thể, bồi đắp văn hóa cũng như trau dồi cảm xúc của mình.
Vì vậy, chúng ta vẫn phải đầu tư con người ở những thứ mà công nghệ không thể thay thế được.
Ông Giản Tư Trung: Nếu khó khăn không làm ta gục ngã thì sẽ làm ta mạnh mẽ hơn rất nhiều...
Quay trở lại vấn đề doanh nghiệp trong thời biến động, có thể thấy thời mở cửa đã cho doanh nghiệp nhiều lợi thế nhưng cũng khiến cho doanh nghiệp trở nên mong manh hơn trước sự biến động của thế giới…
Ông Giản Tư Trung: Chúng ta cũng đã đi qua thời mở cửa, nay đã là thời “gỡ cửa” rồi, chúng ta đã hội nhập một cách sâu rộng với thế giới không chỉ về kinh tế, hàng hóa mà còn về văn hóa và thông tin. Ngay cả khi thế giới ổn định thì doanh nghiệp Việt Nam đã phải thay đổi để hội nhập, nay thế giới biến động mạnh mẽ thì doanh nghiệp lại càng phải thay đổi. Vì vậy, nếu muốn tiếp tục thành công, doanh nghiệp sẽ không thể sống và làm theo cách mà mình đã sống và làm trong bao năm qua, mà phải sống và làm theo cách khác.
Hồi trước, người Mỹ, người Nhật hay người châu Âu họ sinh ra không chỉ là người Mỹ, Nhật hay châu Âu mà còn là người trái đất. Còn chúng ta sinh là người Việt thì vẫn chỉ là người Việt chứ không phải người trái đất (vì chúng ta đóng cửa). Nhưng giờ đây khi đã mở cửa và gỡ cửa rồi thì chúng ta không chỉ học để trở thành người Việt mà còn học để trở thành “người trái đất” mới có thể sống tốt và làm tốt trong bối cảnh mới này.
Khi mở cửa và gỡ cửa thì thế giới sẽ là một phần của Việt Nam và Việt Nam là một phần của thế giới. Doanh nghiệp Việt có thêm thị trường rộng lớn mấy tỷ dân, nhưng thị trường Việt Nam cũng trở thành thị trường chung của doanh nhân thế giới và chúng ta phải cạnh tranh với thế giới ngay trong nhà của mình. Do vậy, người ta càng cần phải trở thành “người trái đất” - là con người độc lập tự do, luôn biết cách khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. Người trái đất cần một sự học mới, bao gồm sự học chuyên môn và sự học khai phóng, để họ vừa giỏi nghề vừa trưởng thành về văn hóa, để không chỉ trở thành người giỏi mà còn trở thành người lớn.
Xin ông chia sẻ thêm thế nào là “sự học mới” đặt trong bối cảnh doanh nghiệp?
Ông Giản Tư Trung: Trong cuốn sách “Thế giới như tôi thấy”, nhà bác học và nhà hiền triết Einstein chia sẻ: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta sẽ chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng”.
Đặc tính nổi bật nhất của loài chó là lòng trung thành. Với con chó, một giáo sư đáng kính và một tên cướp khốn nạn đều như nhau, ai cho nó ăn thì nó sẽ trung thành với người đó, bảo nó cắn ai thì nó sẽ cắn người đó và trước khi cắn sẽ không bao giờ hỏi tại sao cắn và cắn để làm gì.
Con người là khác. Không phải ai trả tiền cho mình thì có thể sai khiến mình làm mọi việc, kể cả việc xấu hay việc ác. Bởi lẽ, con người có khả năng minh định để phân biệt đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà và con người cũng có lẽ sống của mình.
Nhà quản trị cũng vậy, nếu không có khả năng minh định thì không phân biệt được đâu là quân tử, đâu là tiểu nhân, đâu là ngụy quân tử; đâu là thực tài đâu là ngụy tài; không phân biệt được lãnh đạo với cầm quyền, không phân biệt được quản trị với cai trị, thậm chí siêu cai trị thì quá rủi ro cho chính mình và nguy hiểm cho cộng đồng.
Tuy nhiên, một nhà quản trị không sống với sự học mới thì khó có thể có nền quản trị mới được. Và một doanh nghiệp không có nền quản trị mới thì không thể tồn tại và phát triển tốt trong bối cảnh mới được.
Một nhà quản trị không sống với sự học mới thì khó có thể có nền quản trị mới được.
“Chân dung” của nền quản trị mới thế nào, ông có thể “phác họa” vài nét để mọi người hình dung không?
Ông Giản Tư Trung: Nền quản trị mới của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nâng tầm so với trước đây, mà còn nâng tầm so với thế giới. Khi con người ngày càng tự do hơn và xã hội ngày một hội nhập hơn thì cần một thứ quản trị mới để phù hợp với điều này. Khi đòi hỏi cao hơn về trình độ trong môi trường cạnh tranh toàn cầu thì cũng đòi hỏi một thứ quản trị khác. Có nhiều điều để nói về quản trị mới này nhưng có 3 yếu tố cốt lõi nhất là: tính nhân bản, tính hiệu quả, chuẩn toàn cầu. Nếu thiếu nhân bản thì con người tự do sẽ khó chấp nhận, nếu thiếu hiệu quả thì không thể tồn tại, còn nếu không vận hành theo chuẩn toàn cầu thì không thể cạnh tranh với thế giới ngay trong nhà của mình.
Để làm điều lớn lao này thì chúng ta cần bắt tay với những “người khổng lồ” về quản trị để hình thành một “hệ sinh thái quản trị toàn cầu” ngay tại Việt Nam, từ đó, nền quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, giảm thiểu thất bại và có những chuẩn mực đúng để vươn tới. Khi quản trị theo chuẩn toàn cầu thì chúng ta không những không bị bỏ lại phía sau mà còn tự tin đi cùng và phát triển cùng thế thế giới.
Nói thì nghe có vẻ dễ dàng, nhưng để làm được điều trên thì vô cùng khó khăn, liệu có bất khả thi không, thưa ông?
Ông Giản Tư Trung: Đây không phải là ý tưởng mơ hồ hay chỉ là nói suông, mà hệ sinh thái quản trị này đã được Học viện Quản lý PACE ấp ủ từ rất lâu và dồn mọi tâm sức để chuẩn bị trong một thời gian dài, khi nhìn thấy tương lai của ngành quản trị tại Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung. Việc này thật sự đòi hỏi một nội lực rất mạnh và một quyết tâm cao độ, bởi lẽ bắt tay được với một “người khổng lồ” đã khó nói chi đến chuyện bắt tay với nhiều “người khổng lồ” để tạo nên một “hệ sinh thái quản trị” toàn cầu.
Thế nên, sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị, PACE đã lần lượt “bắt tay” được với 12 “người khổng lồ” của thế giới, là những tổ chức đào tạo toàn cầu, có bề dày trăm năm, và đều đang dẫn đầu nhất thế giới trong từng lĩnh vực chuyên môn hẹp về quản trị như: George Washington University (Cùng triển khai chương trình Lãnh đạo Toàn cầu GLP); FranklinCovey (đẫn đầu thế giới về Phát triển lãnh đạo và Kiến tạo văn hóa); Search Inside Yourself Leadership Institute (đẫn đầu thế giới về Lãnh đạo Tỉnh thức); Ken Blanchard (đẫn đầu thế giới về Lãnh đạo Quyền biến); Balanced Scorecard Institute (đẫn đầu thế giới Triển khai chiến lược và Hệ thống KPI); Hiệp hội Quản trị nhân sự Hoa Kỳ SHRM (chuyên sâu về Quản trị nhân sự); ACCA (chuyên sâu về Quản trị tài chính), IMA (chuyên sâu về Kế toán quản trị); DMI (chuyên sâu về Digital Marketing); ASCM (chuyên sâu về Quản trị chuỗi cung ứng và Quản trị sản xuất), PMI (chuyên sâu về Quản trị dự án)...
Chúng tôi hay ví von 12 đối tác toàn cầu này như là “12 Phòng R&D về Quản trị” của PACE trên khắp thế giới. Với “cộng lực” mạnh mẽ này, cùng với nội lực 20 năm đồng hành cùng sự học của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, PACE có khả năng tham gia giải quyết hầu hết các vấn đề trọng yếu về quản trị của các doanh nghiệp ở mọi quy mô.
Theo ông, phải chăng “nền quản trị mới” chính là giải pháp cho doanh nghiệp trong một thế giới mới đầy biến động?
Ông Giản Tư Trung: Đúng vậy. Nền quản trị mới chính là giải pháp căn cơ nhất để doanh nghiệp bứt phá thời biến động. Trong thời kỳ mới, cùng với dòng chảy thế sự, các tổ chức giáo dục tiên phong cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua các thách thức của thời cuộc, và đặc biệt là cùng cộng đồng doanh nghiệp khai mở một nền quản trị mới tại Việt Nam.
Để hình thành nền quản trị mới, căn bản vẫn phải tập trung vào sự học mới của nhà lãnh đạo, đó là sự học khai phóng và sự học chuyên sâu, với cảm thức Việt Nam và chuẩn mực toàn cầu. Bởi lẽ, không có lãnh đạo mới thì không thể có quản trị mới, và không có quản trị mới thì cũng khó có thể có nền kinh thương mới được.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://theleader.vn/