(TuanVietNam) - Tôi là người Việt Nam! - Đó là một tâm thế hiên ngang nhất, một tư thế mạnh mẽ nhất mà một người Việt nào cũng muốn có khi đặt chân lên ngôi làng toàn cầu. Hành trang của người Việt ta là gì để có thể ngẩng cao đầu được như vậy?
Ba ngày Tết, thử nghĩ về cội rễ của niềm tự hào, thử ngẫm lại cái “lý do tự hào” và thử lạm bàn chuyện định nghĩa lại niềm tự hào Việt và định danh lại phẩm chất Việt, giá trị Việt…
Thảng hoặc, đối diện câu hỏi: “Bạn tự hào gì về Việt Nam?” - sẽ có không ít người lúng túng. Lúng túng, vì phải chọn trong rất nhiều điều hiện lên trong đầu: quá khứ hào hùng của dân tộc; thiên nhiên tươi đẹp; những con người chân chất, cần cù và lúc nào cũng có ý chí vươn lên…
Hội An, trăm năm, phố cổ vẫn trầm mặc bên sông Hoài, nhưng vắng khách. Và rồi, khi Hội An được vinh danh “di sản văn hóa thế giới”, thì nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng “cho thỏa niềm tự hào”. Họ - người Việt, đã tìm đến vì một niềm tự hào rất chính đáng về một vùng đất “quê mình”. Có người còn chờ đợi một cái gì đó lộng lẫy, choáng ngợp.
Một góc Hội An. Ảnh: hoianblan.com
Nhưng không phải. Hội An không phải là một kiến trúc nguy nga như cung điện Ấn Độ hay kim tự tháp Ai Cập, nhưng là nơi hội tụ của các nền văn minh, là một thế giới thu nhỏ về văn hóa, là hội quán của người Hoa, là ngôi nhà đậm chất Việt Nam, là kiến trúc của người Pháp, là cầu chùa của Nhật Bản, là quán bar của Tây Ban Nha... Đó cũng là một biểu tượng đẹp cho cái khát vọng mà loài người muôn đời hướng đến: Loài người sống chung một cách hòa bình.
Rõ ràng, Hội An không có nhiều thứ để “coi”, nhưng lại có quá nhiều điều để “cảm” bởi chiều sâu văn hóa của nó. Và chắc hẳn, người Quảng Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung sẽ rất tự hào khi được chia sẻ và bảo tồn cái di sản này cho nhân loại.
Một di sản khác, cồng chiêng Tây Nguyên cũng là niềm tự hào. Nhưng bản thân cái cồng, cái chiêng hay những âm thanh của nó phát ra không phải là di sản văn hóa nhân loại. Chính không gian văn hóa núi rừng, lễ hội, ánh lửa… làm nền cho tiếng cồng chiêng ngân lên mạnh mẽ trong âm thiêng vang vọng của đại ngàn như những gởi gắm ước vọng của già làng, trưởng bản… thì đó mới là di sản. Do vậy, nếu ta đặt tiếng cồng chiêng lạc lõng giữa không gian nhà hát hay phố xá, thì là đang hủy hoại những phẩm chất độc đáo của giá trị văn hóa này.
Yêu nước, tự hào về quê hương đất nước, nghĩa là nghĩ về “cây đa bến nước đình làng”, hay là chạm đến một thứ gì đó khác vẫn được gọi là “hồn thiêng sông núi”? Yêu một người, tự hào về một người, nghĩa là yêu cái hình hài bên ngoài, hay là chạm đến tâm hồn, tư tưởng và tính cách của người ấy, chia sẻ được ý thức hệ của họ? Ta tự hào là thành viên trong gia đình vì nhà ta giàu, bố ta làm chức to hay vì mái ấm này mang lại hạnh phúc, là điểm tựa hun đúc cho mọi thành công và là nơi chốn bình yên để quay về?
Khách quốc tế đến thăm, ta sẽ mời họ dùng rượu ngoại, ăn thức ăn nhanh hay mời họ bát nước trà còn thoảng hơn sen, dùng thử cái đậm đà của nước mắm để họ được tiếp xúc với những cái tinh túy của một nền văn hóa Việt?
Rõ ràng, có một liên hệ sâu hơn, gốc rễ hơn, căn cơ hơn của niềm tự hào: các giá trị. Giá trị - nghĩa là những giá trị cảm nhận, những chuẩn mực hành vi chung được xã hội thừa nhận rộng rãi và thường mặc nhiên được xem là điểm khác nhau giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Và đó chính là một cách để ta có thể định nghĩa lại khái niệm “tự hào” mà ta quen dùng, quen hiểu bấy lâu nay.
Thử nhìn lại, người Trung Quốc chắc hẳn rất tự hào về Vạn Lý Trường Thành, nhưng người Trung Quốc sẽ tự hào hơn nếu Tần Thủy Hoàng để lại cho đời những giá trị nền móng cho một thiên hạ thanh bình và thịnh vượng dài lâu sau khi ông qua đời. Trong khi, niềm tự hào về những giá trị mà các bậc thánh nhân như Khổng Tử, Lão Tử… truyền lại thì vẫn còn rất nhiều ý nghĩa cho đến tận ngày hôm nay; Angkor kỳ vĩ và tráng lệ, nhưng hậu triều đại Jayavaman thì đã không còn giữ được sự vĩ đại như thế…
Rõ ràng, giá trị không phải được xây dựng và trường tồn bằng quyền lực, bằng những công trình kỳ vĩ, bằng tiền bạc…, mà phải là những gì mang đậm chất văn hóa, chất tư tưởng hun đúc nên con người.
Chúng ta cũng vậy. Người Việt có thể ít khi nhớ đến những đền đài lăng tẩm, nhưng luôn nhớ những tư tưởng của ông cha ta thuở trước, những giá trị vẫn thở nhịp thở của thời đại như tuyên ngôn về nền tảng văn hóa “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh” của cụ Phan Chu Trinh, vẫn nhớ những lời giảng về quản trị xã hội của Nguyễn Trãi “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…"
Những giá trị vượt không gian và vượt thời gian mà cha ông và tổ tiên ta để lại, những giá trị mà khiến ta có thể ngẩng cao đầu trước thế giới mới thực sự là những điều quý giá, mới thực sự khiến cho chúng ta tự hào. Nhưng những giá trị truyền thống này vẫn chưa đủ, ta còn cần phải hướng đến những giá trị mới, tiếp nhận những đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Chúng ta kế thừa, và chúng ta cũng phải luôn biết bồi đắp cho những điều làm nên con người và tâm hồn Việt Nam hiện đại.
Bề dày văn hóa, hệ giá trị … mới chính là khởi nguồn của thành công, là căn nguyên của hạnh phúc và cũng là cội rễ của niềm tự hào của một con người, một gia đình, một tổ chức, cũng như một quốc gia. Ảnh: timnhanh.com
Bên kia bờ đại dương, người Mỹ không tự hào về những nhà chọc trời lộng lẫy, về lượng khí tài quân sự mạnh mẽ, về một nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới… Điều mà họ tự hào nhất chính là “giấc mơ Mỹ” và “giá trị Mỹ”. Sự chiến thắng của Obama là một minh chứng hùng hồn cho những điều này.
Giá trị Mỹ là gì? Nhiều lắm, chẳng hạn như: yêu chuộng sự tự do cá nhân, sự đột phá, mái ấm gia đình, sự giàu có tri thức trong giáo dục…. Giấc mơ Mỹ là gì? Nhiều lắm, chẳng hạn như: “ai cũng có thể thành công”. Đó chính là khởi nguồn của mọi thành công trên nước Mỹ và của nước Mỹ. Vì nếu không có những giá trị này, thì có lẽ không bao giờ có chuyện một người đàn ông trẻ tuổi, da màu, chưa có thành tích gì đáng kể… có thể bước chân vào Nhà Trắng.
Tự hào về những thành công đã có của mình là một niềm tự hào chính đáng. Nhưng sẽ chính đáng hơn nếu ta nói cho thế giới biết rằng thành công ấy đạt được bằng cách thức nào. Và sẽ hoàn hảo hơn nữa, nếu cách thức đạt được thành công ấy dựa trên một hệ giá trị mà ta tôn thờ - đó là “giá trị Việt”.
Giá trị Việt hiển hiện trong từng món ăn, thức uống, trong từng cách hành xử, trong từng ngôi nhà, trong từng cơ quan, trường học… quanh ta. Và những giá trị văn hóa này, những cội rễ của niềm tự hào này cũng thường là những gì có thể cảm nhận được chứ không phải là những thứ có thể nhìn thấy hay cầm nắm được.
Khi có một ước vọng lớn cho tương lai của mình, chẳng hạn như: tôi muốn trở thành người giàu nhất Châu Á. Ước mơ đó thật là đẹp! Tuy nhiên, nó sẽ càng đẹp hơn khi nhìn thấy rõ ta sẽ trở nên giàu nhất châu Á bằng cách nào. Và điều tuyệt đẹp là nếu ta biết được cách thức đó được đưa ra và thực hiện dựa trên việc định danh lại những giá trị Việt, phẩm chất Việt. Chẳng hạn, đó là tính kiên cường, lòng vị tha, sự tín thực, tính kỷ luật, tinh thần phụng xã hội, tư duy toàn cầu…
Bề dày văn hóa, hệ giá trị … mới chính là khởi nguồn của thành công, là căn nguyên của hạnh phúc và cũng là cội rễ của niềm tự hào của một con người, một gia đình, một tổ chức, cũng như một quốc gia.
Rõ ràng, mỗi người Việt chúng ta đang có một thách thức rất lớn phía trước: hướng đến những giá trị Việt mới, nền văn hóa mới. Những cội rễ của niềm tự hào này, khi được được nhân rộng và lan tỏa khắp thế giới, sẽ khiến ta luôn tự hào mỉm cười chào thế giới: “Tôi là người Việt Nam!”.
Theo Giản Tư Trung / Tuần VietNamNet