TT - Tết cổ truyền, nghĩ về quà tặng, lại nghĩ về văn hóa gia đình và văn hóa xã hội, tặng rượu hay sách đều được. Nhưng sẽ có một cái tết mà sách sẽ là quà tặng độc tôn: "Tết đọc sách" của người Việt. Bao giờ...!?
Những ngày giáp tết, người ta cuống cuồng tặng nhau những giỏ quà cuối cùng như lời cảm tạ một năm giúp nhau. Quà tết đã là một thứ không thể thiếu trong xã hội. Giỏ quà tết, thời nay, không chỉ là một cử chỉ thể hiện sự quan tâm đến nhau dịp cuối năm, mà có khi còn là một "việc phải làm" với nhiều người.
Trung tâm của giỏ quà này, cũng là "đẳng cấp" của giỏ quà, thường là chai rượu. Một chai hoặc một cặp, kiểu gì thì cũng thường có rượu. Và kéo theo đó, "đẳng cấp" của một số người cũng đang được xác lập bằng những thứ đang cất trong tủ rượu nhà mình.
Chiều cận tết, bạn vong niên mang đến một giỏ quà lạ. Thơm thảo, vì chỉ có một gói lá dâu tằm phơi khô mà bạn cất công mang về từ miền xa "nấu nước mà uống cho ngon giấc nhé”. Kèm theo là một quyển sách nhỏ "đọc đi cho thoải mái đầu óc những ngày xuân". Tự dưng, thấy vui vui trong lòng khi nghĩ về cái "tủ rượu" bị khuyết đi một chỗ, nhưng bù lại cái "tủ thuốc" và "tủ sách" nhà mình lại có thêm một người bạn mới.
Có điểm gì chung giữa ba cái tủ này? Xin được nói ngay, đó là những yếu tố khá quan trọng cấu thành nên cái nền văn hóa của một gia đình, khác với cái tiêu chuẩn "gia đình văn hóa" mà hằng năm mỗi nhà thường được nhận.
Tủ thuốc, là nơi mà một người mẹ tận tụy cất trong đó sự an lòng những khi trái gió trở trời. Nhà nghèo thì cũng phải có vài ba viên thuốc phòng thân, bởi đó là một nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống.
Tủ rượu, là nơi mà một ông bố sành điệu cất trong đó niềm tự hào của sự lịch lãm trong giao tiếp, sự sang trọng trong thưởng thức... Xã hội giàu lên thì tủ rượu cũng là mốt, là một vật trang trí đắt tiền và cũng có thể là sự khẳng định khả năng am hiểu về nghệ thuật thông qua rượu...
Và tủ sách, là nơi mà mỗi người trong gia đình cất vào trong đó những bí mật, những câu chuyện và cả những ước mơ xen lẫn với khát vọng. Một quyển Thương học phương châm mà ông nội nâng niu chờ ngày trưởng thành của thằng cháu trai để giao lại cho nó. Một quyển Thép đã tôi thế đấy ngày xưa bố gối đầu giường, giờ đến phiên cô con gái nhét vào balô ngày lên đường theo chiến dịch Mùa hè xanh. Một mớ truyện cổ tích đã cũ lắm nhưng vẫn thoảng giọng kể rất ngọt của mẹ những ngày thơ ấu…
"Tủ sách gia đình", đó thật sự là một điều huyền diệu của cuộc sống, là nền tảng của việc xây nên một mái ấm đúng nghĩa: vun đắp, sẻ chia và làm giàu tri thức của mỗi người, kết nối chặt hơn mọi thành viên trong gia đình bằng sợi chỉ đỏ của văn hóa. Sợi chỉ đỏ này có một khả năng nuôi dưỡng tâm hồn và vun đắp cho cái nền tri thức của mỗi thành viên trong gia đình.
Sợi chỉ đỏ này không nhất thiết là một tủ sách thật to, thật đẹp, chứa thật nhiều sách quí, mà có thể chỉ là một góc rất nhỏ trong nhà, khởi đầu với dăm quyển sách mà những thành viên trong gia đình muốn mời những người thân yêu nhất của mình đọc. Và từ góc nhỏ này, những hạt mầm của lòng yêu sách sẽ vươn lên mạnh mẽ. Chính tủ sách gia đình dần dà sẽ vươn thành một xã hội đọc sách. Một xã hội đọc sách sẽ xuất hiện hàng loạt tủ sách khác: tủ sách cơ quan, tủ sách công ty, tủ sách thiếu nhi, tủ sách nấu ăn, tủ sách doanh trí, tủ sách tuổi teen, tủ sách tinh hoa…
Từ "tủ sách gia đình" ta có thể nghĩ xa hơn về "ngày toàn dân đọc sách", hay nói vui là ngày "tết đọc sách", cái ngày mà cả nhà đọc sách, cả xã hội cùng đọc sách, nói về sách, cùng tìm những quyển sách mà mình yêu quí với lời đề tặng trang trọng dành cho bạn bè, cùng đến thư viện hoặc quán cà phê để chia sẻ về sách…
Một cái "tết đọc sách" có thể là điểm khởi đầu mới cho một trào lưu xây dựng "văn hóa đọc" (reading habit) của người Việt, một khái niệm tưởng chừng rất cũ nhưng đã bị lãng quên đi nhiều. Một ngày đọc sách sẽ là điểm tiếp nối việc tạo dựng một bản sắc mới cho nền văn hóa dân tộc, sẽ là điểm khởi đầu cho một nền tri thức mới của nước nhà...
Tết cổ truyền, nghĩ về quà tặng, lại nghĩ về văn hóa gia đình và văn hóa xã hội, tặng rượu hay sách đều được. Nhưng sẽ có một cái tết mà sách sẽ là quà tặng độc tôn: "Tết đọc sách" của người Việt. Bao giờ...!?
Theo Giản Tư Trung / Tuổi Trẻ