Góc nhìn sâu sắc của ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE và Viện trưởng Viện Giáo dục IRED tại Toạ đàm “Phân định vai trò giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý trong điều hành doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao trong kinh doanh” do TheLEADER tổ chức mới đây.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE.
Nguồn gốc của sự nhập nhằng giữa các khái niệm “quản trị” và “quản lý”
Bàn về nội hàm của các khái niệm “lãnh đạo, quản trị, quản lý”, ông Giản Tư Trung, người sáng lập trường doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam và cũng là người tiên phong trong việc tổ chức dịch thuật và xuất bản những cuốn sách kinh điển về quản trị của thế giới cho doanh nhân Việt chia sẻ: “Bản thân các thuật ngữ trong quản trị có thể nhiều góc nhìn và cách hiểu khác nhau, điều đó là bình thường và cũng thú vị. Và các tranh luận (nếu có) là cần thiết vì nó sẽ giúp nhau có nhiều góc nhìn và làm cho vấn đề được sáng ra".
Về tiếng Việt, có lẽ từ “quản trị” và “quản lý” không có gì để phân biệt, vì 2 từ này có nội hàm gần giống nhau. Còn “lãnh đạo” là một mảng chuyên môn trong chuyên ngành về “quản trị”. Và nếu xem lãnh đạo là vị trí hay chức vụ thì đó cũng là cách mô tả công việc của các cấp bậc trong hệ thống quản trị. Người vẫn thường gọi là lãnh đạo tổ chức (leading organization), lãnh đạo đội ngũ (leading team) và thậm chí là lãnh đạo bản thân (leading self).
Nhưng về tiếng Anh thì khái niệm “Governance” và “Management” hoàn toàn khác nhau, cả về ngữ và nghĩa.
Sở dĩ lâu nay có sự tranh cãi về từ “quản trị” và “quản lý” là vì trong các luật của Việt Nam, khái niệm “Corporate Governance” được dịch chính thức là “Quản trị công ty”, trong khi “Management” từ lâu (trước khi có sự xuất hiện của khái niệm “Corporate Governance”) cũng đã được dịch là “Quản trị” hay “Quản lý”. Nguồn gốc của sự nhập nhằng và gây tranh cãi là nằm ở đây.
Về mặt lịch sử, khoa học quản trị bắt đầu chính thức du nhập vào Việt Nam từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Ở thời điểm đó, từ “quản lý” thường được mặc nhiên hiểu là quản lý nhà nước, nên người dùng từ “quản trị” như là cách để phân định quản trị doanh nghiệp và quản lý nhà nước.”
Ông Giản Tư Trung kể lại: “Tôi có liên quan đến sự ra đời của khái niệm ‘Corporate Governance’ này từ khá lâu. Khi Ngân hàng Thế giới cùng với các chuyên gia kinh tế xây dựng khung luật pháp cho thị trường chứng khoán Việt Nam, có mời tôi tham gia và bàn thảo về khái niệm này. Và đúng thời điểm đó PACE đã tổ chức dịch cuốn sách kinh điển về “Corporate Governance” của Bob Tricker (2007), tôi đã trực tiếp dịch tựa sách này là “kiểm soát quản trị”. Sau đó cuốn sách này đã được xuất bản. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên về “Corporate Governance” được dịch và xuất bản rộng rãi tại Việt Nam.
Và cũng nhiều năm trước, có lần tôi trò chuyện với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và giáo sư Trần Văn Thọ về cách dịch khái niệm này, nghe qua hai vị không đồng ý cách dịch này lắm, nhưng khi tôi giải thích cặn kẽ, hai vị đồng ý cách hiểu và cách dịch này.
“Governance” sẽ xuất hiện khi có sự tách biệt giữa quyền quản lý và quyền sở hữu
Nguồn gốc sâu xa của từ “Governance” (kiểm soát quản trị) không phải là từ quản trị doanh nghiệp mà là từ quản trị quốc gia. Vì những người được giao quyền quản lý đất nước nhưng lại không phải là chủ đất nước, nên người chủ đất nước (người dân) đã đặt ra vấn đề kiểm soát hoạt động quản trị của họ. Bởi lẽ, nếu một khi được giao quyền quản lý nhưng quyền quản lý đó không được kiểm soát thì có thể sẽ dẫn đến lạm quyền, nếu nặng hơn là lộng quyền, thậm chí là chuyên quyền.
Do vậy, nếu như thuật ngữ “Management” được dịch là “quản lý hay quản trị”, thì thuật ngữ “Governance” được dịch là “kiểm soát quản trị”. Cụ thể hơn, nếu như “National Mamagement” được dịch là “quản trị quốc gia” thì “National Governance” sẽ được dịch là “kiểm soát quản trị quốc gia”. Nếu không có “National Governance” thì quốc gia đó sẽ không có dân chủ hoặc nếu có thì chỉ là dân chủ giả hiệu.
Như vậy, “Governance” thường chỉ xuất hiện khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý. Bởi lẽ, khi người chủ (quốc gia hay doanh nghiệp) trao quyền quản lý/quản trị cho ai đó thì người chủ cần “Governance” để “kiểm soát quản trị” đối với họ.
Hiện theo các luật của Việt Nam, khái niệm “Corporate Governance” được dịch là “Quản trị công ty”. Cách dịch này dễ gây hiểu nhầm vì “Corporate Management” cũng sẽ được dịch là “Quản trị công ty”, dù hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Tuy nhiên, để dễ áp dụng và dễ chia sẻ, chúng ta có thể hiểu đơn giản là, “Governace” là công cụ của người chủ để kiểm soát những người quản lý, còn “Management” là công việc của nhà quản lý để vận hành tốt doanh nghiệp mà mình được giao quản lý.
Nếu nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ quan tâm tới “Management” (quản trị hay quản lý) mà chưa quan tâm tới “Governance” (Kiểm soát quản trị) cũng là chuyện bình thường. Vì ở những những doanh nghiệp này chưa có nhiều chủ sở hữu hay chưa có sự tách biệt về quyền sở hữu và quyền quản lý. Nhưng khi có nhiều người cùng sở hữu, nhiều cổ đông và đặc biệt là có những cổ đông không tham gia quản lý công ty thì ngay lập tức “Governance” sẽ xuất hiện.
Lâu nay chúng ta đã biết CEO là một nghề, thì Chủ tịch công ty cũng là một nghề. Hơn 12 năm trước tôi có một bài viết có tựa đề là “Nghề chủ tịch công ty”, nhưng có lẽ ý niệm này sẽ được bàn nhiều hơn trong thời gian tới đây. Doanh nhân không chỉ thuê CEO chuyên nghiệp, mà còn thuê cả Chủ tịch chuyên nghiệp, và họ chỉ lui về làm một việc là Nhà đầu tư chuyên nghiệp”.
Ông Giản Tư Trung cho rằng, việc phân định giữa lãnh đạo, quản lý, quản trị, cũng như phân biệt giữa “Governance” và “Management” làm chúng ta thêm tỏ tường, hiểu nhau hơn, và đây cũng là cách để cùng nhau góp tiếng nói xây dựng nền quản trị tiến bộ ở Việt Nam tốt hơn.
Quản trị thì khác với cai trị, còn lãnh đạo thì khác với cầm quyền
“Theo tôi, trong lĩnh vực quản trị, có những khái niệm còn quan trọng hơn cần phân định, đó là: Quản trị thì khác với cai trị, lãnh đạo thì khác với cầm quyền, doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn. Đây không phải là vấn đề thuật ngữ hay câu chữ, mà sự phân định này chính là bản chất sâu xa của quản trị, của lãnh đạo, của kinh doanh.
Có rất nhiều cách hiểu, nhiều góc nhìn và nhiều cách phân biệt khác nhau giữa quản trị và cai trị. Tôi có thể chia sẻ một cách phân biệt như vầy để mọi người cùng tham khảo:
Quản trị là khoa học và nghệ thuật khiến cho người khác muốn làm cái việc mà mình cần họ làm; Còn cai trị là dùng quyền lực để buộc người khác phải làm cái việc mà mình muốn họ làm. Như vậy, sự khác biệt ở đây chính là, một bên là dùng quyền lực, một bên là dùng khoa học và nghệ thuật, một bên là buộc phải làm, còn một bên là tự nguyện làm, tự hào làm.
Còn một khái niệm nữa, đó là “siêu cai trị”. Siêu cai trị là dùng khoa học và nghệ thuật khiến cho người khác muốn làm cái việc mà mình cần họ làm. Nghe qua ta thấy khái niệm “quản trị” và “siêu cai trị” là giống hệt nhau nhưng thực ra là rất khác nhau. Khác ở chỗ, nền tảng của quản trị là dựa trên sự khai minh và khai sáng, còn nền tảng của “siêu cai trị” là nằm ở chỗ vô minh hay u minh/tăm tối.
Nếu lãnh đạo không nỗ lực liên tục khai minh chính mình và khai minh đội ngũ của mình thì sẽ khó có thể có quản trị đích thực, mà chỉ có cai trị hay siêu cai trị mà thôi. Do vậy, hành trình phát triển lãnh đạo hay phát triển đội ngũ gắn liền với hành trình khai minh, khai sáng chính mình và đội ngũ của mình.
Thể hiện rõ rệt nhất của siêu cai trị đó chính là các chế độ độc tài (điển hình như Adolf Hitler) hay các thủ lĩnh tà giáo (điển hình như Osama Bin Laden). Ở những chế độ độc tài hay các tổ chức tà giáo này, con người thường bị “nhồi sọ” và “tẩy não” làm cho vô minh, tăm tối (nhưng họ lại không hề biết là mình đang vô minh, mà vẫn tin chắc rằng mình đã được khai minh và đang ở một tầm nhận thức cao hơn hẳn so với phần còn lại của xã hội). Khi đó họ không chỉ mê tín mà trở nên cuồng tín với thủ lĩnh của họ. Khi đó, các thủ lĩnh có thể bảo họ đi chết vì những điều độc ác thì người ta vẫn sẵn lòng đi, đi một cách tự nguyện và đầy tự hào.
Tương tự, nhà lãnh đạo là người coi trọng công việc mà ở cương vị của mình phải làm, luôn cố gắng phát triển các năng lực cần thiết để làm tốt những việc đó, và như vậy họ luôn trên hành trình thực học và khai minh để phát triển bản thân tạo ra những giá trị và làm nên các thành tựu cho mình và cho đời.
Còn nhà cầm quyền thì thường không quan tâm đến việc phải làm, năng lực phải có, sự học phải qua, mà thường chỉ quan tâm chức vụ mà mình đang ngồi, quyền lực mà mình đang nắm và quyền lợi mà mình được hưởng.
Nếu dựa vào mối quan tâm giữa nhà lãnh đạo và nhà cầm quyền thì sự khác biệt lớn nhất giữa họ, đó là: Một bên quan tâm đến năng lực, còn một bên quan tâm đến quyền lực, một bên quan tâm nhiều đến chiếm hữu thụ hưởng, một bên quan tâm nhiều đến kiến tạo giá trị.”
Doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn
Nhân dịp 13/10 năm 2004, 2005 và 2006 tôi có viết loạt bài về chủ đề này. Có nhiều cách phân biệt doanh nhân, trọc phú hay con buôn, nhưng cách phân biệt thuyết phục nhất chính là dựa vào cách kiếm tiền của họ.
Trọc phú và con buôn là cách nói miệt thị của dân gian đối với những làm ăn không đàng hoàng, những kẻ “buôn gian bán lậu”, những kẻ làm giàu cho mình bằng cách làm nghèo người khác. Theo cách hiểu đó, trọc phú và con buôn là những người kiếm được tiền chủ yếu bằng cách lừa ai đó hay hay hại ai đó. Chỉ khác nhau ở chỗ, trọc phú thì quy mô lớn, còn con buôn thì quy mô nhỏ.
Doanh nhân là người kiếm được tiền nhưng không lừa ai và không hại ai, mà bằng cách mang lại cho người khác những giá trị, nhất là thông qua các sản phẩm và dịch vụ đáng tin của mình. Nói một cách văn hoa hơn, doanh nhân là người làm nghề kinh doanh đúng nghĩa. Và kinh doanh đích thực là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội và không gây hại cho cộng đồng.
Hãy thử nghĩ, một bà bán trái cây dạo là doanh nhân hay trọc phú hay con buôn? Trọc phú thì chắc là không phải rồi vì quy mô nhỏ quá. Vậy bà ấy là doanh nhân hay con buôn? Bà ấy là doanh nhân nếu bà ấy không cân điêu, không bán thiếu, không ướp chất bảo quản độc hại; trái cây Đà Lạt thì nói trái cây Đà Lạt chứ không phải của Trung Quốc thì bảo của Đà Lạt. Ngược lại, bà ấy cân điêu, ướp hóa chất độc hại, giả mạo xuất xứ thì bà ấy là con buôn.
Từ quản trị theo cảm tính tới quản trị theo khoa học
Những người có tâm huyết đều mong muốn hướng tới một nền quản trị tiến bộ cho Việt Nam, mong muốn nền kinh thương Việt Nam ta sẽ có nhiều nhà quản trị và ít những kẻ cai trị, nhiều nhà lãnh đạo và ít những kẻ cầm quyền, nhiều doanh nhân và ít trọc phú và con buôn.
So với thế giới, nền quản trị doanh nghiệp Việt Nam còn rất non trẻ, nên hầu hết các doanh nghiệp đều phải vừa phát triển, vừa hoàn thiện lộ trình chuyên nghiệp hoá quản trị. Trong thời kỳ đầu hội nhập, các doanh nghiệp chủ yếu quản trị theo cảm tính, quản trị theo kinh nghiệm và trực giác cũng có thể thành công.
Ngày nay, Việt Nam đã là một phần của thế giới và thế giới đã là một phần của Việt Nam, nên dù muốn hay không, doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh với thế giới không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn ngay trên sân nhà của mình. Thêm nữa, với kỷ nguyên số và nền kinh tế số, mọi thứ đều thay đổi một cách chóng mặt và khôn lường, nếu các doanh nghiệp không chuyển hóa từ “quản trị theo cảm tính” sang “quản trị theo khoa học” thì khó có thể thành công hoặc nếu có thành công thì cũng không lớn và không bền.
Ngược lại, khi các doanh nghiệp chuyển mạnh từ quản trị theo cảm tính sang quản trị theo khoa học thì sẽ không chỉ thành công mà còn thành công bền vững, không chỉ giàu mà còn sang. Khi nhiều doanh nghiệp Việt chuyển mình mạnh mẽ như vầy cũng là lúc Việt Nam ta đang hướng đến một nền quản trị tiến bộ và sẵn sàng đua tranh cùng thế giới.
Góc nhìn sâu sắc của ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE và Viện trưởng Viện Giáo dục IRED tại Toạ đàm “Phân định vai trò giữa lãnh đạo, quản trị và quản lý trong điều hành doanh nghiệp để đạt hiệu quả cao trong kinh doanh” do TheLEADER tổ chức mới đây.
Nguồn https://theleader.vn/