Gần đây, trên khắp các diễn đàn “dậy sóng” tranh cãi nảy lửa về việc có nên cấm hát karaoke tại gia và karaoke lưu động hay không. Phải nói ngay rằng, hát karaoke là quyền tự do giải trí hợp pháp và lành mạnh của người dân bao năm nay, không ai có quyền cấm cản cả.
Khi chúng ta muốn cấm ai đó hay cái gì đó thì ta cần phải gọi tên chính xác hành vi vi phạm, làm rõ “tội trạng” của họ, chứ không phải là “không quản được thì cấm”. Vậy hành vi vi phạm ở đây là gì? Đó không phải là “hát karaoke” mà bản chất chính là “gây ô nhiễm tiếng ồn”!
Vậy làm sao xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn này? Cần đi từ đạo lý đến pháp lý. Nghĩa là, không chỉ dựa vào pháp lý (cấm, phạt…), còn cần dùng đến cả đạo lý trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng.
Bởi lẽ, dù có bao nhiêu quy định, chế tài của luật pháp, nhưng nếu pháp lý đó không được dựa trên nền tảng đạo lý vững chắc thì cũng khó mà phục chúng và có những chuyện nếu đạo lý được thông suốt thì trong nhiều trường hợp có khi không cần dùng đến pháp lý.
Đạo lý quan trọng nhất ở đây là gì? Đó là: Ta chỉ có thể có quyền cấm đoán hay ngăn chặn hành vi của một ai đó nếu như hành vi của họ phương hại đến người khác.
Chẳng hạn như, ta không có quyền nhân danh sức khỏe của ai đó để cấm họ hút thuốc lá, nhưng ta hoàn toàn có quyền ngăn cấm hay phản đối nếu khói thuốc lá mà họ thải ra ảnh hưởng đến mình. Ta cũng không có quyền cấm nhà ai đó nuôi nhiều chó vì đó là quyền tự do của họ, nhưng ta có quyền phản đối chủ nhà nếu tiếng chó sủa ồn ào liên tục gây khó chịu cho hàng xóm. Tương tự, ta không có quyền cấm ai hát karaoke, nhưng ta hoàn toàn có quyền ngăn cấm nếu âm thanh karaoke chát chúa liên tục mà họ phát ra gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Thêm nữa, thời nay, con người ta rất thích nói về quyền riêng tư, tự do cá nhân. Vậy thế nào là quyền tự do?
Ai cũng có quyền tự do của mình, được làm những gì mình muốn, được sống theo kiểu mình thích. Tuy nhiên, tự do của mình không được phương hại đến tự do của người khác. Đây chính là giới hạn của tự do đích thực trong tập thể, trong cộng đồng. Nếu tự do của mình phương hại đến tự do của người khác thì không phải là con người “tự do”, mà là con người “hoang dã”. Do vậy, ta không nên nhầm lẫn, ngộ nhận giữa tự do và hoang dã, giữa cá tính và quái tính...
Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Tuy nhiên, ta không thể mưu cầu hạnh phúc của mình bằng cách nghiền nát hạnh phúc của người khác, cũng như ta không thể làm lợi cho mình bằng cách làm hại người khác, bởi như thế là bất nhân. Làm sao ta có thể vui và hạnh phúc khi hát karaoke cho được, nếu như tiếng hát “kinh thiên động địa” của ta có thể gây khó chịu hay thậm chí là khổ sở cho bao người khác. Đó là thứ hạnh phúc “dã man”!
Bên cạnh đạo lý của xã hội, còn có pháp lý của nhà nước, của các cấp chính quyền, của các ban ngành đoàn thể. Nếu như con người ta không thể sống theo đạo lý thì luật pháp và chính quyền sẽ phải vào cuộc.
Quy định xử phạt về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn trong các văn bản pháp luật hiện khá mơ hồ và lạc hậu so với thời cuộc. Chẳng hạn, theo Nghị định 167 năm 2013 của Chính Phủ, việc xử phạt do gây ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng chỉ là “cảnh cáo” hoặc “phạt tiền” từ 100.000-300.000 đồng, và cũng chỉ xử phạt nếu vi phạm trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng mà thôi.
Như vậy, không lẽ chúng ta “bó tay” với vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn này? Có lẽ các nhà làm luật, làm chính sách cách đây gần chục năm cũng không hình dung hết “karaoke hung thần” như bây giờ. Cuộc sống và xã hội có nhiều biến động, do đó, tầm nhìn luật pháp không chỉ cần theo kịp cuộc sống mà còn phải đi trước cuộc sống, góp phần định hình xã hội tương lai, văn minh hơn và lành mạnh hơn.
Việc sửa một Nghị định của Chính Phủ hay Thông tư của một Bộ ngành thì đâu quá khó và quá lâu, nếu chính quyền các cấp thực sự xem đây là một “quốc nạn” bức thiết và thực tâm muốn giải quyết.
Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn là một vấn nạn trong rất nhiều vấn nạn bức thiết của xã hội hiện nay (như ô nhiễm không khí, ô nhiễm ánh sáng, kẹt xe, ngập nước, cướp giật…), và giải quyết dứt điểm vấn nạn này cũng là một “phép thử” đối với các cấp chính quyền “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Nếu vấn nạn bức thiết này có thể xử lý được thì ta sẽ có thêm nhiều niềm tin vào các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thực thi phát luật vì đã thực sự nỗ lực giúp người dân được sống trong một xã hội ngày một lành mạnh hơn.
(*) Bài viết này của Thầy GIẢN TƯ TRUNG đã được đăng trên trang nhất của Báo Tuổi Trẻ ngày 5/3/2021 trong chuyên mục “Thời sự & Suy nghĩ” với tựa đề là “Đạo lý nào cho Karaoke?”, Ad xin chia sẻ cùng cả nhà.
Hình minh họa: Báo Tuổi Trẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/