Ngày 20/11 sắp đến, Báo Giáo Dục TP.HCM có buổi gặp gỡ với thầy Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) về vai trò người thầy trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý và phát triển nền giáo dục hiện đại.
* Nhắc đến Giản Tư Trung, giới doanh nhân và các nhà nghiên cứu kinh tế và hầu như các nhà giáo dục đều biết. Trước đây, Thầy đã từng rất thành công trên vai trò là một doanh nhân, vậy động lực nào đã thôi thúc thầy đến với nghề giáo, rồi lập nên trường Doanh nhân PACE và viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)?
- Thầy Trung: Thực ra tôi đã từng trải qua công việc ở cả môi trường nhà nước (quan trường), môi trường kinh doanh (thương trường) và sau đó mới bước vào lĩnh vực giáo dục (khoa trường). Khi phải lận đận trải qua nhiều nghề, nhiều việc, nhiều môi trường khác nhau thì tôi mới nhận ra rằng nghề thầy giáo và nghiệp nghiên cứu là hợp với cái chất của mình nhất, và cũng là nghề nghiệp mà tôi tin là mình có thể đóng góp được nhiều nhất cho cái chung. Tuy nhiên, làm giảng dạy và nghiên cứu không thôi thì chưa đủ nên tôi mới lập trường và mở viện để có nhiều người cùng làm với mình. Một lý do nữa mà tôi tập trung cho việc nghiên cứu và giảng dạy, tập trung cho trường và cho viện, đó là tôi mong muốn được góp sức cho sự phát triển của người sếp và người thầy. Và khi người lãnh đạo và người thầy thay đổi thì họ sẽ giúp cho bao người khác thay đổi.
* Phần lớn các trường khi được mở đều cố gắng đa dạng khóa học và đối tượng đào tạo. Thế nhưng, trường PACE không như thế mà chỉ đào tạo đội ngũ lãnh đạo cao cấp cho các tập đoàn, công ty, đơn vị. Thầy có thể chia sẻ thêm về định hướng này?
- Thầy Trung: Lúc đầu, khi đã xác định tập trung làm giáo dục, chúng tôi cũng lúng túng là giáo dục ai, giáo dục cái gì? Chúng tôi tạm chia xã hội làm 3 nhóm: quan trí, dân trí và doanh trí. Quan trí được cho là việc của nhà nước, dân trí thì quá rộng, nên chúng tôi quyết định tập trung vào “doanh trí”. Nhưng doanh trí cũng rất rộng, gồm cả đào tạo lãnh đạo và đào tạo nhân viên. Nếu đào tạo sinh viên hay nhân viên thì đã khó, đào tạo sếp còn khó hơn nhiều lần. Và thay đổi một sinh viên hay nhân viên thì cũng rất tốt nhưng chỉ thay đổi được một người, còn nếu thay đổi một ông sếp thì góp phần thay đổi cả xã hội sau lưng họ, đó chính là doanh nghiệp mà họ đang quản lý. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu góp phần làm thay đổi hàng ngàn, hàng vạn ông sếp? Lúc đó đóng góp cho xã hội sẽ lớn hơn. Và đó cũng là lý do chúng tôi tập trung vào công tác đào tạo và gắn bó với sự học của giới doanh nhân và các nhà lãnh đạo.
* Giờ đây, khi nói đến PACE thì không chỉ giới doanh nhân mà đã có rất nhiều người biết đến ngôi trường này. Vậy để tồn tại và xây dựng được vị thế như ngày hôm nay thì những người lãnh đạo trường đã nỗ lực như thế nào?
- Thầy Trung: Trường PACE là một trường dân lập, đề cao giá trị thực học, nên những ngày đầu rất khó khăn trong công tác tuyển sinh vì nhận thức của nhiều người còn hạn chế. Vả lại đối tượng mà trường nhắm đến là đào tạo lãnh đạo và giáo dục phi bằng cấp, nên lại càng khó khăn hơn. Nhưng với tôn chỉ và mục tiêu hoạt động của trường là góp phần “Nâng cao doanh trí, Đào tạo nhân lực và Bồi dưỡng nhân tài”, trong suốt 10 năm qua chúng tôi đã có vô số hoạt động để hiện thực hóa 3 mục tiêu này. Và trong những thập niên tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ có những chiến lược đột phá để tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu này nhưng ở tầm cao hơn.
* Thưa thầy, thầy có thể trao đổi thêm về “giá trị thực học” tại trường?
- Thầy Trung: Theo quan điểm của tôi thì “giá trị thực học” hay “tinh thần thực học” là học để có thái độ tốt hơn, năng lực cao hơn và nhận thức đúng hơn; là học để biết làm người, biết làm việc và biết làm dân, chứ không phải học vì điểm, vì bằng. Nói ngắn hơn một chút thì là học làm sao để sống cho ra người và làm cho ra việc thì gọi là thực học. Ngược với “thực học” là “hư học”, chẳng hạn như có bằng kỹ sư điện nhưng lại không biết gì về điện, có bằng cử nhân kinh tế nhưng lại không tính nổi niêu cơm gia đình…
* Dù thời gian theo học tại trường lâu và chương trình học lại khá căng thẳng, nhưng sau khi hoàn thành khóa học, học viên lại không nhận được một bằng cấp nào cả. Vì sao vẫn được chấp nhận và vẫn thu hút học viên, thưa thầy?
- Thầy Trung: Vâng, ở trường PACE có những khóa rất dài hạn như chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL chẳng hạn. Chương trình này phải qua 5 vòng tuyển sinh kéo dài trong 8 tháng, rồi vào học liên tục trong gần 1 năm, rồi phải qua 5 năm tự trải nghiệm nữa, tổng cộng mất gần 7 năm mới được coi là tốt nghiệp. Quá trình tuyển chọn khắt khe như thế, phải khổ học như thế, lại kéo dài như thế và còn phải đóng tiền nữa, nhưng khi tốt nghiệp lại chẳng có mảng bằng nào cả. Vậy tại sao hàng năm vẫn có mấy ngàn người nộp hồ sơ dự tuyển? Họ dự tuyển là vì tôn chỉ của chương trình và của trường “bằng cấp cũng quan trọng, nhưng có những thứ còn quan trọng hơn mọi bằng cấp ở trên đời, đó là, học làm sao cho ra một con người, làm làm sao cho ra một sự nghiệp để đóng góp cho đời một giá trị”.
* Theo thầy, dưới góc độ của một nhà giáo dục, để đáp ứng công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của nước nhà thì chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu?
- Thầy Trung: Theo tôi thì chúng ta phải bắt đầu từ chiến lược phát triển quốc gia cho ít nhất 50 năm tới, sau đó, chúng ta mới có thể xây dựng được chiến lược nhân lực quốc gia. Và chỉ khi chúng ta có chiến lược nhân lực quốc gia thì chúng ta mới có thể có chiến lược giáo dục quốc gia. Trật tự này là không thể đảo ngược. Giáo dục không chỉ là đào tạo “theo” nhu cầu của xã hội, mà phải đào tạo “cho” nhu cầu xã hội. Xác định chiến lược xong rồi thì giáo dục phải đi trước, giáo dục phải tạo ra những con người cho xã hội tương lai. Và đây cũng chính là điều mà tôi đã có cơ hội được chia sẻ trong buổi hội thảo do Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (giờ là Phó Thủ tướng) chủ trì khi ông mới nhậm chức.
* Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy có lời nhắn nhủ gì đối với những người đã, đang và sẽ làm công tác giảng dạy?
- Thầy Trung: Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội để tri ân, tôn vinh những người thầy. Nhưng tôi nghĩ, đối với những người làm nghề giáo thì đó lại là dịp để mỗi người tự nhận thức lại, tự tư duy lại công việc của mình, cũng như vai trò, sứ mệnh của nghề với đời, với xã hội. Hình ảnh của người thầy ở xứ mình xưa nay vẫn thường là “bất khả xâm phạm”. Nhưng tôi nghĩ, “người thầy” thì khác rất nhiều với “thợ dạy”. Thợ dạy thì ngày ngày lên lớp và làm cho xong cái công việc gọi là “giảng dạy” của mình, mà không cần biết là những “sản phẩm” mà mình góp phần tạo ra có thành nhân, thành tài hay không. Còn công việc quan trọng nhất người thầy là khai sáng, khai minh cho người học, là giúp người học biết sống vì cái gì và cái đó có đáng không, biết phân biệt đúng-sai, phải-trái, giả-chân, biết giải quyết tốt những vấn đề của công việc và cuộc sống… Để làm được điều này, người thầy sẽ thổi vào người học khát khao học, tinh thần tự học, tinh thần thực học, và cùng người học bàn chuyện: cái học lớn nhất là học để “biết học” chứ không phải học để “biết nhiều” và học để biết “cái mà mình không biết”… Khi làm được những điều “lớn lao” này thì người thầy và nghề dạy học sẽ mặc nhiên được tôn quý và nhớ ơn, bất kể là trên đời này có tồn tại ngày 20/11 hay không.
* Xin cảm ơn thầy.
Thực hiện V.Hoàng
Theo Giản Tư Trung / Giáo Dục TP.HCM