TT - Chuẩn đạo đức chính là những kim chỉ nam mà bất cứ nhà giáo nào cũng phải tâm niệm. Chuẩn chuyên môn, chính là yêu cầu về khả năng sư phạm và trình độ chuyên môn mà người thầy cần phải có...
Trong cái vòng xoay bất tận của cuộc sống đương đại, Ngày nhà giáo (20-11) là một khoảnh khắc rất đẹp và ý nghĩa để chúng ta cùng nhau tôn vinh người thầy và nghề dạy học, cùng nhau nghĩ về nhà giáo và nghề giáo.
Vậy, nhà giáo và nghề giáo ngày nay có gì đặc biệt? Câu trả lời được bắt đầu từ việc xác lập sứ mệnh của nghề giáo và thiên chức của nhà giáo trong hoàn cảnh mới: vì những thế hệ người Việt mới, cho một nước Việt Nam mới, với những khát vọng mới.
Với những sứ mệnh và thiên chức này, nhà giáo được tin tưởng trao quyền hướng dẫn cho người học, giúp họ biết cách tự “quản trị sự học” của chính mình và soi đường cho quá trình tự tìm kiếm tri thức của mỗi người. Công việc hướng dẫn này là quá trình cùng người học trả lời thấu đáo ba câu hỏi “2W1H” trong mỗi giờ học, bài học, môn học, lớp học, khóa học, cấp học và mỗi giai đoạn học (giáo dục phổ thông và giáo dục đại học): Why - “Học để làm gì?” (mục đích học), What - “Học cái gì để đạt được mục tiêu đó?” (nội dung học) và How - “Học như thế nào?” (phương pháp học).
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đặc biệt và trước hết là hội nhập về tri thức, đã đặt nghề giáo và nhà giáo trước những yêu cầu cao hơn, những đòi hỏi khắt khe hơn. Chỉ khi chúng ta có những người thầy có khả năng đua tranh mạnh mẽ cùng đồng nghiệp của mình trên khắp thế giới mới có khả năng tạo ra những người trò có khả năng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới. Và như thế, chắc hẳn người thầy phải là những người “lãnh ấn tiên phong” trong công cuộc hội nhập tri thức chung này của cả đất nước.
Nhìn lại quá khứ, với quan niệm “quân-sư-phụ”, người thầy được xem là một hình mẫu của xã hội và hầu hết kiến thức thường nằm gọn trong sự hiểu biết của người thầy. Ngày nay, “thầy” còn là một nghề có tính chuyên nghiệp cao. Và khi mà thông tin, tri thức tràn ngập trên Internet, hiệu sách, thư viện... thì công việc của người thầy không chỉ là cung cấp kiến thức, mà còn là truyền cảm hứng cho người học và hướng dẫn họ cách thức tự học.
Nhìn ra thế giới, chẳng hạn như những người làm giáo dục Mỹ đã chuyên nghiệp hóa hoạt động của người thầy bằng cách xây dựng “Bộ quy chuẩn giảng dạy chuyên nghiệp” do một ủy ban quốc gia và hiệp hội nhà giáo ban hành. Nghề giáo là nghề đầy sáng tạo. Bộ quy chuẩn này được xem là một sự sáng tạo chung của nền giáo dục Mỹ, và dựa trên sự sáng tạo chung này, mỗi nhà giáo sẽ có thêm những sáng tạo riêng trong quá trình hành nghề của mình.
Nhìn sang các nghề khác, những người làm kiểm toán đã theo đuổi mục tiêu đạt “chứng chỉ hành nghề” của quốc gia và quốc tế, những người làm nghề y, nghề luật… cũng bắt đầu kết nối mình với những hội nghề nghiệp có uy tín quốc tế lớn... Họ đang chuyên nghiệp hóa và quốc tế hóa trình độ của mình để có thể thực hiện tốt hơn thiên chức nghề nghiệp mà họ đã tự nhận lãnh.Và rất nhiều người làm giáo dục giật mình khi đối diện câu hỏi từ một phụ huynh nước ngoài muốn cho con học tại VN: “Ở trường bạn, có bao nhiêu giáo viên có chứng chỉ hành nghề và đạt chuẩn chuyên nghiệp?”. Giật mình và nhiều người lúng túng nhìn nhau: liệu đã đến lúc chúng ta cần một “cái chuẩn” chung, một “cái chuẩn” mới đầy trí tuệ để chuyên nghiệp hóa hoạt động của người thầy? Cái chuẩn ấy sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của nhà giáo. Chuẩn đạo đức chính là những kim chỉ nam mà bất cứ một nhà giáo nào cũng phải tâm niệm để xác lập phẩm chất của người thầy. Chuẩn chuyên môn, chính là yêu cầu về khả năng sư phạm và trình độ chuyên môn mà người thầy cần phải có đối với từng môn học, lớp học...
Chuyên nghiệp hóa hoạt động của nghề giáo và quốc tế hóa trình độ của nhà giáo là việc mà nhiều quốc gia đã và đang theo đuổi, nhằm đề cao và tôn vinh những người thầy đúng nghĩa, loại khỏi giới nhà giáo những nhân tố có thể làm hoen ố hình ảnh của nghề cao quý này. Có như thế mới có thể hướng đến một thế hệ nhà giáo mới, có khả năng giúp người học hiện thực hóa các mục tiêu học làm người, học làm việc và học làm dân trong thời đại mới. Đó cũng là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta có thể đặt trọn niềm tin vào giáo dục.
Theo Giản Tư Trung / Tuổi Trẻ