Tự do không có văn hóa là thứ tự do hoang dã Quay lại

Từ những cô gái trẻ khoe thân trên mạng để đổi lấy sự nổi tiếng và tiền bạc đến những ống kính phóng viên vây lấy một cô hoa hậu trong phiên tòa bán dâm rồi những vụ đánh kẻ trộm chó đến chết hoặc những vụ giết người dã man. Có điều gì khiến xã hội ngày nay liên tục bộc lộ một gương mặt nham nhở, đầy những dấu vết của cái ác. Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), chia sẻ với Lao Động Cuối Tuần rằng căn nguyên của những vấn đề đó chính là bởi “sự gãy đổ văn hóa”.

Những ngày qua, những người thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội đều biết đến một cô gái mới 20 tuổi đang tạo nên một sự chú ý cho mọi người khi liên tục đưa lên mạng những đoạn phim ngắn của chính mình trong bộ dạng rất khiêu gợi. Cô gái này không phải là người đầu tiên chọn con đường này để tìm kiếm sự nổi tiếng, thường là bắt đầu cho một “chiến dịch” gây dựng tên tuổi trước khi bước vào giới giải trí. Nếu nói rằng giới trẻ đang có dấu hiệu thực dụng, sẵn sàng làm mọi thứ để nổi tiếng sẽ là oan cho giới trẻ. Bởi lẽ, một cá nhân không đại diện cho cả một cộng đồng nhưng quả có điều đáng ngại khi cái cộng đồng trẻ đó lại xem những điều, lẽ ra là bất thường, như việc khoe thân để nổi tiếng, là một điều bình thường. Thậm chí có không ít người còn ủng hộ việc này.

Ông có thể nào lý giải việc đám đông giới trẻ đang bình thường hóa những việc lẽ ra là bất thường như thế?

Suốt một thời gian dài vừa qua, đi đâu chúng ta cũng có thể nghe nói về khủng hoảng kinh tế, đọc báo nào cũng thấy nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, thậm chí bi kịch. Quả thật, những vấn đề về kinh tế rất đáng lo bởi vì đó chính là cái bao tử của tất cả chúng ta. Nhưng tôi lại nhìn thấy điều này giống như một “căn bệnh” ngoài da của xã hội. Kinh tế lên xuống theo chu kỳ, qua giai đoạn khó khăn thì lại hồi phục. Đối với vấn đề khủng hoảng văn hóa còn đang lo ngại hơn nhiều, bởi văn hóa chính là chiều sâu của một xã hội. Một chu kỳ lên - xuống của kinh tế có thể là 5 - 10 năm gì đó, nhưng để giải độc văn hóa cho một xã hội thì có khi mất cả trăm năm.

Ở thế kỷ này, việc phát triển của truyền thông, giao thông, của khoa học công nghệ, sự xuất hiện mạng xã hội… giúp người ta, đặc biệt là người trẻ, có khả năng tiếp cận với nhiều thứ của thế giới nhanh chóng nên việc giải độc văn hóa cũng có thể nhanh hơn. Tuy vậy, nếu không có chiều sâu thì có khi chỉ học được cái ngọn của những giá trị tiến bộ của nhân loại. Ví dụ như tung hô tự do cá nhân, tung hô sống thật… nhưng lại chẳng hiểu mấy hoặc hiểu rất lệch lạc về những giá trị này của các xã hội văn minh.

Và khi hướng tới các giá trị tiến bộ hay nhân danh các giá trị tiến bộ nhưng những giá trị này lại bị hiểu một cách lệch lạc thì những điều bất thường vẫn sẽ được cổ xúy rầm rộ, lâu dần sẽ thành bình thường.

Bất kỳ ai cũng có quyền tự do với thân thể của mình nhưng văn hóa sẽ ở vị trí nào trong câu chuyện chúng ta đang nói?

Phải trở lại với những khái niệm cơ bản của các giá trị như tự do. Chặng hạn như, khi bạn thực thi quyền tự do của mình thì không được ảnh hưởng đến người khác. Bạn có quyền tự do nhưng phải là tự do trong sự nhận thức đầy đủ về văn hóa và văn minh. Khi tự do mà thiếu đi văn hóa thì đó chỉ là một thứ tự do hoang dã. Tôi cho rằng, văn hóa không chỉ là một cái thắng giúp chúng ta dừng lại trước những cái xấu mà văn hóa còn vun đắp, giúp con người thăng hoa trước cái đẹp.

Để có văn hóa, con người phải được khai minh và khai tâm. Với một cái đầu vô minh và với trái tim vô hồn thì sẽ rất tai hại cho chính minh và cho người khác. Vì khi đó sẽ không minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai, mình sống trên đời này vì điều gì. Đây cũng chính là cội  nguồn của mọi thứ không hay.

Văn hóa chính là thứ tạo nên ai đó, là thứ mà vì nó hay để bảo vệ nói người ta sẵn lòng hy sinh mọi thứ khác. Nói cách khác, khi có văn hóa có nghĩa là người ta có “chính mình” và khi có “chính mình” thì cái mà con người ta sợ hãi nhất đó là sợ “đánh mất chính mình”. Còn ngược lại, khi con người chưa có được cái “chính mình” này thì người ta sẵn sàng bất chấp mọi thứ để có tiền và có tiếng nhưng lại chẳng sợ cái gì cả.

Ông đang làm giáo dục, ông nghĩ phải sử dụng giáo dục như thế nào để cải biến văn hóa?

Trước khi nói đến vai trò của giáo dục đối với văn hóa, tôi nghĩ chúng ta cần đề cao trách nhiệm cá nhân của mỗi người trong xã hội. Trách nhiệm cá nhân không phải là điều gì quá cao xa, đó là sống lương thiện, làm đúng và làm tốt với chức nghiệp của mình. Với tôi, một người sống lương thiện, đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân thì đó là một người rất đáng quý rồi.

Đối với giáo dục, đây chính là gốc rễ của xã hội, là cái đẻ ra văn hóa, chúng ta phải hỏi và phải có câu trả lời thật thẳng thắn với nhau rằng, giáo dục của chúng ta đang cố đào tạo ra con người tự do, con người khai minh hay chỉ muốn đào tạo ra con người công cụ. Trả lời được câu hỏi này thì mới có thể xây dựng một nền giáo dục để “chữa trị” được các căn bệnh của xã hội hiện nay do khủng hoảng văn hóa.

Từ cổ chính kim, từ Đông sang Tây, để có thể cải tổ giáo dục thực sự, để có thể kiến tạo một nền giáo dục khai minh thì còn cần phải đòi hỏi một tầm vóc văn hóa của chính những nhà lãnh đạo xã hội.

Không cần phải đọc hoặc nghiên cứu sâu xa cũng có thể thấy nền chính trị thế giới luôn có những nhà lãnh đạo như thế. Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan từng cấm con cháu nhà họ Tưởng tham gia chính trường, cho phép các đảng phái khác hoạt động tự do, bỏ đi thế độc quyền chính trị của Quốc Dân Đảng. Hay gần đây là tổng thống Thein Sein của Myanmar, là người đứng sau những cải tổ chính trị, từng bước nỗ lực dân chủ hóa đất nước. Dù Myanmar vẫn đang là nước nghèo và lạc hậu, nhưng khắp nơi lại có cảm giác đất nước này đang hồi sinh.

Một nhà lãnh đạo có văn hóa sẽ không bao giờ xem quyền lực hay tiền bạc là cái đỉnh cao cuối cùng không thể từ bỏ, mà chính văn hóa sẽ giúp những nhà lãnh đạo tìm ra cho mình và cho xã hội những cái đỉnh khác cao hơn quyền lực và để khi cần họ dám buông bỏ quyền lực. Với họ, quyền lực không thể là mục đích mà chỉ xem đó như một phương tiện để làm được điều tốt lành cho xã hội. Bởi nếu có quyền lực mà không làm điều có ích cho dân cho nước thì quyền lực đó có nghĩa gì!

Chính giáo dục khai minh sẽ khiến cho mỗi cá nhân xây dựng văn hóa hay phẩm giá cho bản thân mình. Và khi nhiều người có văn hóa thì sẽ cùng nhau kiến tạo nên một xã hội văn minh.

Vậy hiện nay, sản phẩm của nền giáo dục chúng ta như thế nào?

Tôi nghĩ đã có quá nhiều người nói về những điều cụ thể và chúng ta cũng đã thấy thực trạng của những nền giáo dục ở ta cùng sản phẩm của nó. Tôi cho rằng, trách nhiệm của chúng ta bây giờ là suy nghĩ đến những vấn đề thuộc về nguyên lý, gốc rễ để vận hành xã hội, giáo dục. Phải cải tổ, sửa đổi chính từ những nguyên lý như vậy thì mới mong có thể sửa chữa được những khiếm khuyết trên “cơ thể” của nền giáo dục Việt Nam. Và đây không thể là câu chuyện ngắn hạn được.

Và tôi nghĩ điều cần nhất bây giờ là các nhà giáo dục, các nhà nghiên cứu giáo dục, các bậc thức giả tâm huyết với giáo dục, với trách nhiệm công dân của mình, sẽ tập trung cho những nghiên cứu nghiêm túc và bài bản về giáo dục. Và khi thực sự có cơ hội cải tổ giáo dục thì chúng ta sẽ biết làm gì và bắt đầu từ đâu.

Thực hiện : Trung Bảo
Theo Giản Tư Trung / Báo lao động cuối tuần

Một vài bài viết của tác giả
Xem tiếp các bài khác
Một vài Video Clips
Xem tiếp các clips khác