Ta là sản phẩm của chính mình! Quay lại

(TBKTSG) - Định nghĩa lại sự học luôn là khởi nguồn cho mọi cuộc cách mạng về giáo dục. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là nỗ lực tạo nhận thức cho người học để mỗi người hiểu rằng, họ mới chính là “ông chủ” của quá trình giáo dục, là “nhà quản trị” sự học của bản thân, với tâm thế: “Ta là sản phẩm của chính mình!”.

Thêm một góc nhìn về giáo dục

Con người là sản phẩm của giáo dục. Hệ thống giáo dục bao gồm nhiều nhân tố, từ chính sách của nhà nước, đến nhà trường, nhà giáo... và gần gũi nhất là từ gia đình và các tác nhân ngoài xã hội.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, đồng thời với quá trình chịu tác động của hệ thống giáo dục này, con người còn là “sản phẩm” của chính mình, của một quá trình “giáo dục tự thân”. Nghĩa là, người học vừa là nguyên liệu, vừa là sản phẩm và cũng lại là trung tâm của cả quá trình giáo dục. Người học cần phải biết nắm lấy sự chủ động cao nhất trong toàn bộ quá trình này. Và mọi sự đổi thay, mọi sự cải cách hay mọi cuộc cách mạng về giáo dục đều bắt đầu từ sự học, chính xác là bắt đầu từ “cách mạng sự học” của bản thân mỗi người.

Một số người vẫn bảo rằng, rất nhiều người trong số chúng ta là những sản phẩm bị “lỗi” của nền giáo dục Việt Nam. Nhưng có một thực tế khác: đâu phải tất cả những ai thụ hưởng nền giáo dục trong nước đều bị “lỗi”. Vẫn có rất nhiều người thành nhân và thành tài mà chưa hề thụ hưởng một nền giáo dục nào khác ngoài những điều đã được học, được dạy trong nhà trường Việt Nam. Tìm hiểu những kinh nghiệm của họ, sẽ rất dễ nhận ra, điểm khác nhau chính là ở nhận thức về sự học và quá trình tự học, tự rèn luyện, tự thân vận động của họ.
Phải chăng, đã đến lúc người học cần ý thức được vai trò “làm chủ” của mình trong toàn bộ quá trình giáo dục - mà ở đó mọi tác nhân khác như nhà nước, nhà trường hay nhà giáo... chỉ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung và cung cấp thông tin, kiến thức cho người học để họ tự hoàn thành mục tiêu học tập của chính mình?

Sự học bắt đầu từ khát vọng

Sự học của dân tộc bắt đầu từ khát vọng quốc gia. Sự học của tổ chức bắt đầu từ hoài bão và sứ mệnh chung mà tổ chức đó theo đuổi. Sự học của bản thân sẽ bắt đầu từ lẽ sống của chính cuộc đời mình. Đồng thời, sự học của bản thân mỗi người cũng thường chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự học chung của môi trường xung quanh (quốc gia, cơ quan, gia đình, bạn bè...).

Hàng trăm năm trước, nước Nhật đã thực hiện cuộc Duy Tân Minh Trị, trong đó có chủ trương “Hòa thần Dương khí” (Tinh thần Nhật Bản, Tinh hoa phương Tây) nhằm đưa tất cả những quyển sách quý nhất của thế giới trong hầu hết các lĩnh vực đến với mọi người dân. Những tinh hoa tri thức của loài người đã phủ đều lên khắp nước Nhật với nhiều triệu bản in của mỗi tựa sách đã được phát hành. Người Nhật, trước đó, không hẳn là một dân tộc mê đọc sách, cũng không phải là một dân tộc sính ngoại, nhưng khát khao vươn mình, khát vọng đua tranh cùng phương Tây đã làm cho họ hiểu và tin rằng, sự học và tiếp nhận tinh hoa tri thức của phương Tây chính là con đường ngắn nhất và khôn ngoan nhất giúp họ có đủ năng lượng để thành công trong cuộc đua tranh này.

Và chính khát vọng mãnh liệt của dân tộc đã hun đúc cho hàng triệu công dân của đất nước mặt trời mọc, đã thổi bùng một niềm tin, một động lực ghê gớm, để mỗi ngày, họ dốc sức cho sự học, cho việc tiếp thu tri thức và văn minh của loài người, cho sự phát triển của bản thân, cho sự phồn thịnh của quốc gia.

Quả thật, một quốc gia chỉ có thể hùng mạnh khi chia sẻ được nhiều giá trị với thế giới. Điều này đòi hỏi quốc gia ấy phải có nhiều con người có khát vọng và có khả năng tạo ra những giá trị đẳng cấp toàn cầu thông qua việc cung cấp các “sản phẩm” của mình cho “thị trường” toàn cầu.

Những thách thức mới của thời đại mới đặt Việt Nam vào tình thế cần có nhiều hơn những doanh nhân tạo ra được những sản phẩm cho thế giới dùng, những nhà văn viết ra được những quyển sách cho thế giới đọc, những nhạc sĩ sáng tác ra được những bản nhạc cho thế giới nghe, những họa sĩ vẽ ra được những bức tranh cho thế giới xem, những nhà khoa học đưa ra được những phát kiến cho thế giới ứng dụng... Cần có nhiều hơn những con người có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công ở bất cứ môi trường nào trên thế giới.

Học - chính là con đường để tạo ra những con người mới cho xã hội tương lai. Những con người mới cần có khát vọng mới và lẽ sống mới mang tên “ta là ai trên thế gian này?” và “ta sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì?”. Và những con người mới này, cũng cần có một hệ giá trị mới, hệ giá trị phù hợp với bối cảnh “loài người sống chung”.

Khát vọng thay đổi thế giới, định vị lại hình ảnh quốc gia, tạo dựng vị trí cho tập thể, hay đơn giản hơn là khẳng định bản thân mình, luôn là những động lực, những tác nhân tạo ra sức mạnh lớn lao cho việc học của mỗi người.

Sẽ mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục. Nhưng một cuộc cách mạng về việc học của mỗi người có thể diễn ra một cách rất nhanh chóng, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mình.

2W1H và định nghĩa lại sự học

Trong một báo cáo toàn cầu về giáo dục, UNESCO đã đưa ra mục tiêu của việc học dành cho mỗi người: học để hiểu biết, học để làm việc, học để làm người và học để chung sống (trong bối cảnh loài người sống chung). Chúng ta cũng có thể có một cách hiểu, một cách diễn đạt khác về mục tiêu của sự học dành cho mỗi cá nhân, đó là: học làm người, học làm việc và học làm dân. Bên cạnh mục tiêu về sự học của cá nhân, chúng ta cũng đã được biết mục tiêu về giáo dục của quốc gia được thừa nhận rộng rãi trên khắp thế giới, đó là: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Sẽ mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục. Nhưng một cuộc cách mạng về việc học của mỗi người có thể diễn ra một cách rất nhanh chóng, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mình.

Những mục tiêu này sẽ được giải quyết một cách thấu đáo bằng phương pháp luận cơ bản mà chúng tôi gọi là: “Nguyên tắc giải quyết vấn đề: 2W1H”. Cụ thể, chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa thực sự của từng tiết học, buổi học, môn học, lớp học, khóa học, cấp học, bậc học... với hệ thống câu hỏi: “Why - Tại sao học, học để làm gì?” (mục tiêu học); “What - Học cái gì để đạt được mục tiêu đó?” (nội dung học) và “How - Học như thế nào?” (phương pháp học).
Hãy bắt đầu bằng một ví dụ cụ thể, học để “làm việc”: Một sinh viên bước chân vào khoa điện của một trường đại học. Có thể hình dung rất nhiều “kịch bản tương lai” của người sinh viên đó từ ngưỡng cửa này: “Lấy được tấm bằng kỹ sư điện, nhưng không biết gì về điện”; “Chẳng lấy được tấm bằng nào nhưng lại là một chuyên gia giỏi về điện do suốt ngày tự nghiên cứu và thực hành trong thực tế mà bỏ lơ sách vở ở trường”; “Vừa có bằng kỹ sư hẳn hoi mà lại rất giỏi nghề”. Chỉ có người sinh viên này, chứ không ai khác, mới có thể quyết định tương lai của chính mình bằng việc hiểu rõ động cơ thực sự bên trong của mình trong suốt quá trình đào luyện này.

Qua đó, ta dễ thấy rằng, tất cả những môn học, những lớp học... và thậm chí cả hệ thống giáo dục, đều có thể được định nghĩa lại bằng 2W1H. Không chỉ định nghĩa lại từ cấp vĩ mô mà còn từ bản thân mỗi người học, không chỉ định nghĩa lại từ cả một đời học mà còn từ mỗi tiết học...

Từ những “mổ xẻ” trên, chúng ta tin rằng: chỉ có học thực, mới có năng lực thực; chỉ có năng lực thực, mới có thể làm thực; chỉ có làm thực, mới có thể tạo ra giá trị thực; chỉ có tạo ra giá trị thực, mới có thể sống thực. Tất cả, bắt đầu từ thực học. Và mỗi người sẽ có thể “thực học” thông qua việc “làm chủ” quá trình giáo dục và quá trình tự học của chính mình bằng “công nghệ quản trị sự học 2W1H”.

Như vậy, rõ ràng, việc tham gia quá trình học đang đổi ngôi. Người học - “ông chủ”, hay “nhà quản trị” - mới chính là người quyết định vì sao mình học, từ đó chuyển tải thành nội dung và cách thức để họ có thể đạt đến mục tiêu học tập một cách hiệu quả nhất.

Cách mạng sự học là nền tảng cho niềm tin giáo dục

Bất kỳ một nền giáo dục nào cũng cần có sự cải tổ, đổi mới liên tục để ngày một hoàn thiện hơn. Vai trò của nhà nước, nhà trường, nhà giáo và các bậc thức giả trong xã hội trong quá trình này là quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, để có thể bảo đảm cho sự thành công, bất kể trong bối cảnh nào, bất kể trong nền giáo dục nào, thì chúng ta phải bắt đầu từ việc học và người học phải luôn biết cách nắm lấy thế chủ động trong suốt quá trình giáo dục để tự đào luyện mình bằng một cuộc “cách mạng về việc học” của cá nhân. Ta là sản phẩm của chính mình. Khi hiểu được rằng “ta cũng là sản phẩm của chính mình”, thì cuộc “cách mạng về việc học” càng làm cho ta có thêm thật nhiều “niềm tin vào giáo dục”. Có niềm tin vào việc học, có niềm tin vào giáo dục, thì sẽ có niềm tin vào tất cả! Đó là tiền đề, cũng là cơ sở cho mọi thành công của chính mình và của cả xã hội trên con đường dài phía trước.

Theo Giản Tư TrungThời báo Kinh Tế Sài Gòn

Một vài bài viết của tác giả
Xem tiếp các bài khác
Một vài Video Clips
Xem tiếp các clips khác