Động lực tích cực chỉ đến từ giấc mơ cao cả Quay lại

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), cho rằng: Không chỉ với người trẻ, mà động lực quan trọng đối với bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào. Người ta không thể học tốt, không thể làm tốt và không thể sống tốt nếu thiếu động lực học, động lực làm và động lực sống.

Động lực và năng lực

Thưa ông, làm sao để có động lực và động lực của con người đến từ đâu?

Động lực thường bắt nguồn từ hai yếu tố: “Tại sao?” (Why) và “Để làm gì?” (For what). Cụ thể, người ta chỉ có thể có động lực, động cơ để làm điều gì đó khi họ biết rõ là tại sao lại làm cái đó (nguyên nhân/lý do của hành động) và làm cái đó để làm gì (mục đích của hành động). Một sinh viên sẽ không thích học triết nếu không hiểu được triết học thực sự là cái gì, tại sao cần phải học triết và học triết rốt cuộc là để làm gì. Và nếu một bạn học Ngoại thương chỉ để lấy tấm bằng đại học và thể hiện với thiên hạ rằng, “ta cũng có bằng đại học như ai” thì sẽ khác với một bạn học Ngoại thương với mục đích là để có cơ hội am hiểu sâu sắc về nền thương mại toàn cầu và nền thương mại khu vực, nền thương mại quốc gia… để sau này sớm trở thành một chuyên gia thực sự về thương mại quốc tế…

Cuộc sống của con người thì không quá “trần tục”, tức không phải sống chỉ vì tiền bạc, quyền lực, tình dục… Bởi lẽ, con người khác với muông thú và cỏ cây ở chỗ, con người có văn hóa, có những thứ thiêng liêng và cao đẹp để vươn tới. Và cuộc sống của con người cũng không quá “hư vô” đến mức, trên đời này chẳng có gì là ý nghĩa, chẳng có gì là quan trọng cả. Khi chúng ta nhận thấy trong cuộc đời này, trong xã hội có cái gì đó thiêng liêng để sống và hướng tới thì khi đó chúng ta sẽ có được một cuộc sống “rất con người”.

Như vậy, để có một động lực mãnh mẽ và bền vững từ bên trong thì cần phải có lẽ sống (tại sao sống, sống để làm gì) và lẽ sống đó phải đủ lớn, đủ thực và đủ đẹp.

Ông có nghĩ rằng, không ít người trẻ đang “đuối” trước cuộc sống khắc nghiệt thời khủng hoảng và họ đang “khát” động lực nhằm thúc đẩy mình?

Trong bối cảnh khủng hoảng nhiều mặt hiện nay, cả về kinh tế lẫn văn hóa, thì không chỉ người trẻ mà ngay cả những người không trẻ cũng “đuối”. Sống thì cần lạc quan chứ không nên bi quan. Tuy nhiên, cần lạc quan trong sự hiểu biết sâu sắc về thực tại và biết làm sao để vượt lên cái thực tại đầy e ngại đó, chứ không nên lạc quan theo kiểu “điếc không sợ súng”.

Theo lẽ thường, khủng hoảng có thể làm cho người ta “đuối”, chứ không làm cho người ta mất động lực thúc đẩy chính mình, mà ngược lại, có khi “cái khó sẽ ló cái khôn”. Càng khủng hoảng, càng khó khăn thì động lực để thay đổi, động lực để vượt lên, để làm lại phải càng cao mới đúng.

Và không chỉ có khủng hoảng mới làm cho người ta thiếu động lực, mà ngay cả trong bối cảnh “thái bình thịnh trị” thì cũng có thể làm cho người ta giảm động lực. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, vào thời kỳ sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá, đời sống vô vàn khó khăn thì thanh niên Nhật Bản có động lực khát khao vươn lên không chỉ để kiếm sống, mà còn để chinh phục thế giới nhưng khi Nhật Bản ở đỉnh cao thịnh vượng thì dường như sự khát khao của thanh niên Nhật Bản không được mạnh mẽ như thế hệ cha anh của họ hồi trước.

Nhưng cũng có thực tế là không ít người trẻ “chếnh choáng” trước động lực thúc đẩy kiếm tiền một cách quá đỗi dễ dàng, như việc tham gia vào chuỗi bán hàng đa cấp bất chính…?

Đây cũng là một loại động lực nhưng là loại động lực tai hại, loại động lực giống như ma túy. Bán hàng đa cấp thì không xấu nhưng có một số nơi đã biến những nguyên lý cơ bản của bán hàng đa cấp thành một “công nghệ lừa đảo” hết sức tinh vi để dẫn dụ nhiều người (nhất là những người trẻ) bước vào “mê hồn trận” kinh doanh của họ. Điểm chung của những “mê hồn trận” này là thường dẫn dụ người ta kiếm tiền một cách dễ dàng và nhanh chóng bằng cách đánh vào “lòng tham” hoặc “lòng tốt” của con người.

Có một nguyên lý ở đời mà không phải ai cũng hiểu (hay muốn hiểu) đó là: Không thể có được cái gì đáng giá nếu thiếu năng lực và nỗ lực. Nếu thiếu năng lực cũng như lao động cật lực mà lại có được nhiều thứ một cách dễ dàng thì chắc chắn đó phải là thứ do làm bậy mà có (trộm cướp, lừa đảo, tham nhũng…). Mà ngay cả khi có năng lực và nỗ lực nhưng nếu dùng năng lực hay nỗ lực đó vào những việc trái luật hay trái đạo thì những thứ kiếm được cũng sẽ không ổn và bị người đời khinh miệt.

Theo ông, làm thế nào để người trẻ chọn được những động lực tích cực?

Động lực tích cực thường chỉ đến từ những giấc mơ cao cả, từ lẽ sống với những điều thiêng liêng để theo đuổi và hướng tới. Ngược lại, nếu có khát khao, có giấc mơ, nhưng lại là giấc mơ sai trái, lẽ sống tệ hại thì sẽ dẫn đến những động lực tiêu cực.

Vậy làm sao để minh định được đâu là giấc mơ cao cả, đâu là giấc mơ sai trái; làm sao minh định được đâu là lẽ sống thiêng liêng, đâu là lẽ sống tệ hại? Lằn ranh để minh định đúng-sai, phải-trái, hay-dở, tốt-xấu, chân-giả, thiện-ác, chính-tà, đáng trọng-đáng khinh, nên-không nên… chính là pháp lý và đạo lý. “Đạo lý” ở đây không hẳn là đạo lý ở một nơi hay một lúc nào đó, mà cái đạo lý này cần phải chứa đựng cả những giá trị phổ quát của loài người, những giá trị vượt không gian và thời gian.

“Túi văn hóa”, “túi chuyên môn”

Trong một xã hội có nhiều tiêu cực, chẳng hạn chuyện “con ông cháu cha” sẽ được cất nhắc, sẽ không ít người trẻ nản mà thốt lên rằng: Cố gắng mấy, giỏi mấy… rồi cũng chả đi đến đâu? Ông bình luận gì, và có lời khuyên gì?

Điều này rất là tai hại, vì vừa gây họa cho xã hội lại vừa làm mất cơ hội của người có tài và có tâm. Chúng ta cần lên án mạnh mẽ và đấu tranh nhằm đòi hỏi sự cải tổ, cải cách sâu rộng.

Còn lời khuyên thì tôi nghĩ tại sao các bạn trẻ lại chỉ nghĩ đến những cơ quan mà ở đó nạn “con ông cháu cha” đang hoành hành, mà không tìm cơ hội ở hàng vạn khu vực những nơi khác, vì trong gần 600.000 doanh nghiệp ở Việt Nam thì đâu phải doanh nghiệp nào cũng có nạn “con ông cháu cha”.

Cách đây khoảng chục năm về trước, khi mà đất nước vẫn còn khá “đóng” thì một người có tài mà không được nhà nước sử dụng thì dễ bị trở thành “đồ vứt đi”. Nhưng nay thì khác, đất nước đã “mở” khá nhiều, nếu một người có thực tài mà Nhà nước không dùng thì tư nhân sẽ dùng, nếu Nhà nước và tư nhân không dùng thì nước ngoài sẽ dùng; nếu Nhà nước, tư nhân và nước ngoài không dùng thì tự mình sẽ dùng mình luôn. Và nếu ai đó nói rằng ở đất này (Việt Nam) không có đất dụng võ thì không hề gì, trên thế giới này còn có hơn 200 miếng đất (quốc gia) nữa.

Đối với những doanh nghiệp hay tổ chức tạo ra giá trị thực thì họ luôn cần những con người thực tài. Chẳng hạn, doanh nghiệp họ cần một người có khả năng giải quyết tốt toàn bộ công tác kế toán của họ, chứ không cần một thạc sĩ Kế toán nhưng lại không rành về kế toán. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, có một chuyên môn giỏi thì vẫn chưa đủ, mà cần phải có một thứ nữa, quan trọng hơn, đó là nền tảng văn hóa, phông văn hóa, tầm vóc văn hóa.

Nói một cách ngắn gọn, trong bối cảnh hiện nay, bối cảnh mà nền kinh tế đang gặp khủng hoảng thiếu trầm trọng về nhân lực, nhất là nhân lực quản lý và nhân lực chuyên gia trong hầu hết các ngành nghề lĩnh vực, thì những người vừa có “túi văn hóa” vừa có “túi chuyên môn” sẽ là những “ông vua” thực sự, vì nơi nào cũng cần có họ và nơi nào có được họ thì quả là may mắn.

Xin hỏi, động lực sống mỗi ngày của cá nhân ông, là gì?

Động lực sống mỗi ngày của tôi là lẽ sống của đời tôi, cái này chính là thôi thúc cháy bỏng từ bên trong. Còn lẽ sống của tôi là gì thì xin phép được giữ cho riêng mình và nếu chia sẻ thì có thể nói một cách chung chung là tôi muốn có cuộc sống lương thiện và hữu ích.

Nhìn về tương lai, chúng ta có những động lực gì để bước tiếp, thưa ông?

Để có động lực thì bản thân mỗi chúng ta phải có một giấc mơ và giấc mơ đó phải đủ lớn, đủ thực và đủ đẹp.

Về phương diện quốc gia thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần có một “Giấc mơ Việt Nam” và con đường để đến giấc mơ đó. Giấc mơ và con đường này cũng phải đủ rõ, đủ lớn, đủ thực và đủ đẹp để tất cả mọi người Việt Nam tự hào dấn thân. Nếu dân tộc ta không có khát khao mãnh liệt về một xã hội tốt đẹp hơn cho chính thế hệ mình và các thế hệ con cháu tương lai thì chúng ta không thể có động lực gì cả và cũng không thể cải thiện được cuộc sống chính mình.

Nhưng cũng có người sẽ nản vì nghĩ rằng, “một con én thì không làm nên mùa Xuân”?

Người dân ở những quốc gia văn minh có một cách thể hiện lòng yêu nước rất dễ thương và rất thiết thực, đó là: “Người dân yêu nước nhất là người dân làm tốt công việc của mình nhất” và “Chọn một việc phù hợp để làm và làm hết sức mình cũng là cách tốt nhất để đóng góp cho cuộc đời”. Nếu ai cũng làm tốt công việc của mình và công việc đó phù hợp và lương thiện thì xã hội đó sẽ trở thành một xã hội tuyệt vời. Một xã hội tốt đẹp sẽ nằm trong tay mỗi người dân, nhất là những người trẻ, chứ không phải ai khác.

Khi mỗi người hiểu rằng, thay đổi đến từ bản thân của chính họ và khi mỗi người đều làm tốt công việc của mình, đồng thời, thể hiện tốt trách nhiệm công dân thì chúng ta có quyền tin rằng cộng đồng đó, xã hội đó nhất định sẽ có một tương lai tốt đẹp.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Lê Ngọc Sơn
Theo Giản Tư Trung / Báo Sinh Viên Việt Nam

Một vài bài viết của tác giả
Xem tiếp các bài khác
Một vài Video Clips
Xem tiếp các clips khác