Cần định nghĩa lại vai trò của nhà nước trong giáo dục Quay lại

(ĐVO) – “Từ những chuyện như trường công chất lượng cao (CLC) dành cho nhà giàu, cần phải định nghĩa lại vai trò của nhà trước trong giáo dục và nhìn nhận lại sứ mệnh của nhà nước đối với giáo dục để tránh những chính sách đi ngược lại những giá trị phổ quát trong giáo dục” – Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED) cho biết.

Đi ngược lại những giá trị phổ quát trong giáo dục

PV: - UBND Hà Nội vừa thông qua quyết định xây dựng 35 trường công CLC ở các bậc mầm non, trung học với mức học phí từ 2,9-3 triệu/tháng. Ông có ý kiến gì trước quyết sách được cho là “đột phá” này của Hà Nội?

Ông Giản Tư Trung: - Tôi cho rằng, xây dựng trường công CLC thì không có vấn đề gì, trên thực tế, trường công chất lượng cao hay trường tư chất lượng cao đều tốt cả, vì chúng ta rất cần những trường học đạt chất lượng để giáo dục con em. Tuy nhiên, phải xem lại mục đích làm trường công CLC của Hà Nội là gì và Hà Nội làm trường công CLC là để dành cho người giàu hay cho người giỏi? 

Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED)

Nếu trường công mà chỉ con nhà giàu mới có đủ tiền để vào học, còn con nhà nghèo sẽ không có cơ hội vào học được thì rất không ổn vì điều này đã đi ngược với những nguyên tắc phổ quát của giáo dục công là: Đảm bảo quyền được học của trẻ em và nhất là bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập của các em. 

Nếu Hà Nội làm trường công CLC mà đầu vào được thi tuyển công khai, minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh và những em có hoàn cảnh khó khăn khi trúng tuyển sẽ được cấp học bổng, hỗ trợ ăn ở… thì vẫn tốt. Nghĩa là, chủ trương của các trường công CLC này là đào tạo người giỏi (bất kể giàu nghèo), chứ không phải là để phục vụ con em nhà giàu.

Tóm lại, nhà nước vừa lo cho giáo dục đại chúng, vừa lo cho giáo dục tinh hoa, nhưng cho dù là mô hình nào thì cũng không được vi phạm những nguyên tắc, những giá trị phổ quát của giáo dục công.

 Ngoài ra, tôi không đồng tình với khái niệm CLC, nhưng một khi sử dụng khái niệm CLC này thì cũng cần phải làm rõ. CLC ở đây có nghĩa là “sản phẩm đầu ra” (học sinh tốt nghiệp) của những trường này là CLC hay “nguyên liệu đầu vào” (học sinh được tuyển) là CLC, hay cơ sở vật chất là CLC, hay ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên là CLC, hay tất cả đều là CLC? Và như thế nào là cao, cao so với cái gì? Chuẩn ở đâu?

Tôi cho rằng, nếu có tiền thì có thể dễ dàng để tạo ra cơ sở vật chất CLC, nhưng để thực sự có CLC trong giáo dục thì điều quan trọng là phải có hiệu trưởng CLC, giáo viên CLC, giáo trình CLC, và đặc biệt là phải hệ thống, cơ chế quản lý giáo dục CLC.

 PV: - Với cái lý trường chất lượng cao, thu học phí cao rồi tiến tới tự chủ, tự thu chi, hạch toán chia nhau như trường tư. Có khác nào Hà Nội đang biến trường công thành môi trường kinh doanh để kiếm lời, thưa ông?

 Ông Giản Tư Trung: - Về nguyên tắc, nhà nước và tư nhân cùng phối hợp làm trường CLC thì cũng không có vấn đề gì. Chẳng hạn ở Mỹ có mô hình “Charter School” do tư nhân điều hành nhưng lại sử dụng ngân sách nhà nước. Mô hình công-tư này đã phát triển gần 30 năm nay, dù vẫn còn những tranh cãi và bất cập, nhưng hiện nó đang khá phổ biến ở Mỹ. 

Sở dĩ việc ra đời mô hình trường học này là vì người ta cho rằng, hệ thống trường công ít có sự năng động, sáng tạo, trì trệ và hơi cứng nhắc, chính vì vậy người ta muốn có một trường học như trường công nhưng do tư nhân tham gia điều hành để trường năng động và sáng tạo hơn. Mô hình trường này vẫn sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ và vẫn đảm bảo các mục tiêu của giáo dục và đặt các mục tiêu giáo dục lên trên hết. 

Tuy nhiên, để triển khai thành công mô hình công-tư này thì cần có rất nhiều yếu tố làm nền tảng như chính trị, văn hóa, xã hội, luật pháp, chính sách, con người… Nếu thiếu những yếu tố, điều kiện nền tảng này mà vẫn triển khai thì có thể sẽ dẫn đến việc tư lợi và bóp méo mục tiêu của giáo dục.

Ngoài ra, ở ta, có lẽ đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm thị trường hóa giáo dục với thương mại hóa giáo dục. Đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. 

Nhìn chung, thị trường hóa giáo dục là tạo ra một môi trường cạnh tranh về chất lượng giáo dục giữa các trường học, cạnh tranh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu giáo dục, vẫn đặt mục tiêu giáo dục lên trên hết và không vì kiếm lợi lên mà vi phạm mục tiêu giáo dục.

Nói cách khác, thị trường hoá giáo dục là tạo ra một môi trường, một cơ chế cạnh tranh giữa các trường, tạo ra nhiều lựa chọn cho người học, nhằm nâng cao chất lượng, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục và sự công bằng cơ hội, quyền học hành của trẻ em.

Còn thương mại hóa giáo dục là biến trường học thành doanh nghiệp bán bằng để kiếm lời và biến nền giáo dục thành một ngành kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận và sẵn lòng vi phạm mục tiêu giáo dục.

Nếu chúng ta không làm rõ điều này thì sẽ dẫn đến những chủ trương như cổ phần hóa các đại học công, tư nhân hóa các trường công… Và những chủ trương này sẽ là thảm họa của giáo dục và cũng là thảm họa của quốc gia.

Sứ mệnh của nhà nước đối với giáo dục

PV: - Ông có nghĩ, với chủ trương này, Hà Nội đang dần từ nhiệm nhà nước về mặt trách nhiệm đối với nền giáo dục công, trong khi đây là nhiệm vụ của nhà nước trong lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Giản Tư Trung: - Từ chủ trương làm trường công CLC này, tôi cho rằng cần phải định nghĩa lại vai trò của nhà nước trong giáo dục và nhìn nhận lại sứ mệnh của nhà nước đối với giáo dục. Vì nếu không làm rõ được câu hỏi “Nhà nước được làm gì, phải làm gì và không được làm gì?” thì chúng ta sẽ lại tiếp tục có nhiều chính sách giáo dục đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và phổ quát trong giáo dục.

Cần xem xét lại trách nhiệm của nhà nước đối với nền giáo dục

Tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến là để có cải cách hay đổi mới thật sự về giáo dục thì phải xác lập lại triết lý giáo dục và định nghĩa lại vai trò của 5 chủ thể then chốt trong giáo dục, đó là: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, người học và gia đình.

Về mặt quản lý giáo dục, một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng giáo dục không cao đó là nhà trường, nhà giáo và người học thiếu những quyền cơ bản trong giáo dục.

Khi làm rõ vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với giáo dục thì lúc đó nhà nước sẽ dễ dàng quyết định là có nên làm trường công CLC không và nếu làm thì sẽ làm như thế nào và sẽ phục vụ ai…

PV: - Theo ông, tại sao mô hình công-tư lại được các nước trên thế giới chấp nhận và phát triển, trong khi tại Việt Nam lại không nhận được sự đồng tình từ dư luận?

Ông Giản Tư Trung: - Đó là do trong mô hình “Charter  school” này người ta thấy rằng nhà nước vẫn làm đúng vai trò và sứ mệnh của mình trong giáo dục và tin rằng với mô hình này thì chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện hơn, nếu nhà nước kiểm soát tốt.

Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng, cơ chế quản lý giáo dục, có cơ chế giám sát của nhà nước và người dân ở các các nền giáo dục của các quốc gia phát triển là rất cao và hiệu quả. 

Còn ở ta, ngay trong câu chuyện trường công CLC này đã thấy ngay bản chất là chủ trương này là nhà nước không phục vụ đại chúng, cũng không phục vụ tinh hoa, mà phục vụ con nhà giàu. Phục vụ con nhà giàu thì cũng rất tốt, nhưng liệu đây có phải là việc mà nhà nước nên làm hay cần làm không? Rốt cuộc vai trò và sứ mệnh của nhà nước trong giáo dục nằm ở đâu?

Ngoài ra, còn một điểm nữa khiến dự luận quan ngại đó là nếu kiểm soát mô hình này không tốt thì người ta còn sợ sự biến tướng của chủ trương này, đó là biến của công thành của riêng và bóp méo mục tiêu giáo dục.

PV: - Vậy với cái lý của Sở GDĐT Hà Nội và quyết định của UBND TP.Hà Nội, trường công chất lượng cao phải thu học phí cao là “đảm bảo công bằng xã hội và mục tiêu xã hội hóa giáo dục” có thực sự thuyết phục, thưa ông?

Ông Giản Tư Trung: - Theo lẽ thường, một món hàng chất lượng cao thì sẽ có giá cao, điều này ai cũng đồng ý. Nhưng liệu giáo dục có phải là một món hàng mà nhà nước làm ra để bán cho dân? 

Nếu như “công bằng xã hội” trong kinh doanh là “hàng xịn, giá cao” thì “công bằng xã hội” trong giáo dục là “bình đẳng về cơ hội học tập cho trẻ em” (đặc biệt là trường công).

Tôi cho rằng khái niệm “xã hội hóa giáo dục” thì nên hiểu là nhà nước chỉ nên làm cái gì mà người dân không làm được hay làm những gì rất cần những người dân lại không muốn làm, còn những cái khác thì để dân làm.

Và “xã hội hoá giáo dục” không chỉ đơn giản là kêu gọi người dân đóng góp tiền bạc cho giáo dục (mà thực sự thì ít nước trên thế giới mà người dân phải bỏ tiền túi ra cho giáo dục trẻ em như ở nước ta), mà nên hiểu là tạo ra một xã hội học tập, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, tạo môi trường cho các chủ thể, nhất là khu vực tư tham gia vào giáo dục... Khi đó nhà nước sẽ đóng vai trò quản lý, giám sát.

Ví dụ như mô hình trường Charter School, có những trường không thu hút học sinh lắm, nhưng có những trường lại quá nhiều học sinh muốn vào học nhưng số lượng lại có hạn. Ở đây người ta giải quyết bình đẳng đầu vào dưới hình thức quay xổ số. Không phân biệt ai giàu, ai nghèo, ai giỏi ai dở… Em nào quay số trúng thì em đó được vào học. Cơ hội học tập là bình đẳng như nhau.

Còn đối với trường tài năng thì lại có một tiêu chí đầu vào rất khắt khe, thi tuyển, chọn lọc ai đậu thì vào học, ai rớt thì không được theo học. Nếu nghèo mà thi đậu thì được hỗ trợ học bổng và chi phí để theo học…

PV: -  Như vậy, quyết định này của Hà Nội có đi ngược chủ trương của Hiến pháp và Luật giáo dục, thưa ông? Và từ việc này ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Ông Giản Tư Trung: - Quy định về giáo dục trong Hiến pháp 1992 thì không nói rõ điều này, nhưng Luật giáo dục thì có quy định về quyền bình đẳng về cơ hội học tập của trẻ em. Quyết định này của Hà Nội có thể đã phù hợp với Luật Thủ Đô, nhưng đã đi ngược với Luật giáo dục.

Đụng đến luật pháp thì cần ý kiến của các chuyên gia về pháp lý, nhưng riêng về đạo lý thì tôi cho rằng, tất cả mọi trẻ em đều nghèo như nhau và nhà nước cần phải tạo ra bình đẳng về cơ hội học tập cho các em. 

Từ việc này, tôi nghĩ các chủ trương và chính sách về giáo dục không chỉ phải tuân thủ pháp luật về giáo dục, mà còn không được phép đi ngược lại những giá trị phổ quát về giáo dục. Và nhà nước cần quay về với vai trò thực sự của mình và đồng thời trả lại những vai trò (trả lại những quyền) cần thiết cho các chủ thể khác (như nhà trường, nhà giáo và người học) để có thể có một nền giáo dục chất lượng hơn.

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Nguyễn Vũ
Theo Giản Tư Trung / Báo Đất Việt 

Một vài bài viết của tác giả
Xem tiếp các bài khác
Một vài Video Clips
Xem tiếp các clips khác